TRANG THƠ HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG
  • TRANG CHỦ
  • THƠ SÁNG TÁC
    • THƠ MỚI >
      • Thơ sáng tác phần 1
      • Thơ sáng tác phần 2
      • Thơ sáng tác phần 3
      • Thơ sáng tác phần 4
      • Thơ sáng tác phần 5
    • THƠ ĐƯỜNG
  • THƠ DỊCH
    • Thơ dịch chữ Hán
    • Thơ Anh
    • Thơ Pháp
    • Thơ dịch các nước khác
  • Trang ghi chép
  • LIÊN HỆ

Phong Kiều dạ bạc

4/3/2012

1 Comment

 
                                                            TRƯƠNG KẾ (张继)
Picture
                          Tượng Trương Kế tại Tô Châu             

     Trương Kế (张继) tự là Ý Tôn (懿孙), sinh ra tại Tương Châu tỉnh Hồ Bắc vào thời Trung Đường (766-835). Sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Ông đỗ tiến sĩ và có làm chức quan nhỏ “Tự bộ viên ngoại lang”. Về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây
     Phong Kiều dạ bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế, được văn học Trung Quốc  đánh giá là một tuyệt tác. Bài thơ  đã được Khang Hữu Vi (1858 – 1927) đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn  dựng ở cổng chùa Hàn Sơn  ngay lối vào để người đời thưởng lãm.

*Nguyên tác chữ Hán:

 
   楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天

江楓魚火對愁眠

姑蘇城外寒山寺

夜半鐘聲到客船


*Dịch âm:           

           PHONG KIỀU DẠ BẠC                      (1)
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên                             
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên           (2+3)
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự                  (4+5)
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

*Dịch nghĩa: 

   ĐÊM ĐẬU THUYỀN Ở BẾN PHONG KIỀU
  
  Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
  Hàng cây phong bên bờ sông và ánh lửa thuyền chài
  đang đối diện với giấc ngủ buồn.
  Bên ngoài thành Cô Tô có chùa Hàn Sơn.
  Nửa đêm buông tiếng chuông viếng khách ở dưới thuyền.


*Dịch thơ:
+Bản 1:
   ĐÊM ĐẬU THUYỀN Ở BẾN PHONG KIỀU
     
        Trăng tàn, sương phủ, quạ kêu
  Hàng phong , đèn cá, quạnh hiu giấc buồn
         Ngoài thành, chùa vắng Hàn Sơn
  Nửa đêm vọng đến tiếng chuông viếng người.
                                                    
                         *HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
+ Bản 2:
  Quạ kêu, trăng lặn, sương mờ  phủ
  Đèn cá, hàng  phong  đối  giấc buồn   (*)
  Ngoài chốn Cô Tô, chùa quạnh vắng
  Nửa đêm viếng khách vọng hồi chuông.
                         *HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch  
*Chú thích:
1) Bến Phong Kiều: là một bến nằm trên một dòng  kênh sông nhỏ , nơi đậu thuyền của Trương Kế  ở gần cầu vòm Phong Kiều hiện nay
2) giang phong: cây phong mọc ở bờ sông. Có người dịch cây phong là cây bàng ở xứ ta nhưng không phải . Cây phong ở đây là một loại cây có ở Trung Quốc  và một số nơi ở Châu Á, có tên khoa học là Acer, thuộc họ phong Aceraceae , với hơn 125 loài.  Có loại phong hoa đỏ , phong màu vàng, phong lá nho, phong bạc v.v..Có loại mùa xuân lá non đỏ rực, mùa hè lá xanh tươi tốt hoặc  có loại mùa thu lá vàng, lá đỏ .v.v..
3) ngư hỏa: Lửa thuyền chài, đèn của thyền đánh cá.
4) Cô Tô: Tên một cái thành cổ. Thời Đông Châu liệt quốc, vua Ngô là Ngô Hạp Lư chọn Tô Châu (thuộc tỉnh Giang Tô) làm kinh đô, cho xây thành  bao quanh đặt tên là thành Cô Tô dài 23,5km và có 16 cổng. Sau này, Ngô Phù Sai (con Hạp Lư) cho xây đài trên núi Linh Nham , đặt tên là Cô Tô đài  để người đẹp Tây Thi ở. Sau 5 năm đài này mới xây xong, Phù Sai vào  bám riết với Tây Thi, ham mê tửu sắc, bỏ bê chính sự. Cuối cùng bị Câu Tiễn diệt.
              Ngày nay khách viếng nơi này, xác định là có di tích thành Cô Tô chứ không có bến Cô Tô như ở trong một số bài thơ dịch.
5) Hàn Sơn tự: Là chùa Hàn Sơn,  được xây năm 502, nằm ở bên con kênh Đại Vận Hà nối liền nam bắc. Trong  chiến trận Thái bình thiên quốc, chùa bị phá hủy và mới xây lại năm1905.  Ngày nay chùa nằm ở phố Phong Kiều, được công nhận di tích lịch sử năm 1985 . Tên Hàn Sơn là tên của một vị sư được chọn đặt làm kỷ niệm sau khi ông mất. Chùa này là một chùa nhỏ nhưng nó nổi tiếng, được nhiều người biết đến là nhờ bài thơ của Trương Kế.Cho nên có nhà sư ở chùa này đã nói “Chùa Hàn Sơn là một chùa nhỏ nhưng nó lưu danh  thiên cổ chỉ nhờ một tiếng chuông...”

 *Bản dịch của tác giả khác:
            Có rất nhiều bản dịch tiếng Việt về bài thơ “Phong kiều dạ bạc” nhưng có bản dịch sau đây được cho là hay hơn cả:

·      *  Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh (Theo sự phát hiện và công nhận của học giả Nguyễn Quảng Tuân)

           Đêm ghé bến Phong Kiều

          Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
 Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
         Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
 Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
.


 *Có bản chép khác như sau: (Từ trước đến nay cho là bản dịch của Tản Đà)
               Đêm ghé bến Phong Kiều 

      Trăng tà , tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
      Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San .

             Như đã đề cập ở trên, bản dịch bài thơ này vốn được cho là của Tản Đà nhưng đến năm 1995, học giả Nguyễn Quảng Tuân đã xác định là của Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867). Ông đã căn cứ vào tập “ Trong 99 chóp núi (Đinh Nhật Thận với Thu dạ lữ hoài ngâm)” của tác giả Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề, do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1942 , trong tập này đã có trình bày bản dịch “Phong Kiều dạ bạc của ông Nguyễn Hàm Ninh. Đồng thời căn cứ vào số di cảo của ông Nguyễn Hàm Ninh còn để lại trong gia tộc... Chúng tôi thiết nghĩ:Vấn đề này lịch sử văn học cần phải thẩm định lại một cách thận trọng để nắm rõ thật chính xác ..vì các câu thơ trên cũng mang một phong cách rất chung của Tản Đà..
3) Nguyễn Hàm Ninh: (1808-1867): quê ở Quảng Bình. Năm 1831 đỗ đầu kì thi hương, làm tri huyện Lục Ngạn, Án Sát Khánh Hòa. Từng xướng họa với nhà thơ Cao Bá Quát

Picture
*Giai thoại bài thơ:
           Chuyện kể rằng  nhà thơ Trương Kế, đêm dạo thuyền ở bến Phong Kiều, lúc nửa đêm đã xúc cảnh sinh tình làm nên 2 câu thơ
            Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
           Giang phong ngư hoả đối sầu miên

      Sau đó nhà thơ bị bế tắc chưa nghĩ ra ý để làm tiếp theo.
      Cùng trong lúc này, sư cụ ở chùa Hàn Sơn cũng đang nhìn trời làm được 2 câu thơ:
            Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
            Bán tự ngân câu bán tự cung

           (Mồng ba,mồng bốn trăng mờ
          Nửa giống như móc câu, nửa giống với cây cung)
           Rồi nhà sư cũng bị tắc ý, đi lui đi tới mà vẫn không nghĩ ra. . Bỗng nhà sư gặp một chú tiểu đang đi thơ thẩn trong khuôn viên , sư lấy làm lại hỏi: Sao giờ này đã khuya con chưa ngủ  mà còn đi lại? Chú tiểu thưa: bạch thầy,con vừa làm được 2 câu thơ vừa ý nhưng không thể làm tiếp nên cứ suy nghĩ mãi. Con thấy thầy,muốn lại nhờ thầy giúp nhưng không dám. Sư cụ bảo chú tiểu đọc.Chú tiểu trình bày:
           Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
           Bán trầm thuỷ đế bán phù không

      ( Mặt nước ngọc hồ  đã chia trăng thành hai đoạn
        Nửa chìm  đáy nước, nửa ở trên không)                     (1)
            Vừa nghe xong, sư cụ mừng quá, khen hay không ngớt. Sư cụ thấy hai câu thơ của mình đem ráp với hai câu thơ của đệ tử sẽ thành một bài thơ toàn bích. Sư cho đây là do Phật linh cảm ứng nên vội cho đệ tử gióng lên hồi chuông chào mừng mặc dù việc đánh chuông vào nửa đêm là trái với lệ thường của chùa.
            Bên dưới bến sông, Trương Kế nghe được tiếng chuông, bỗng nảy ra tứ thơ cho hai câu tiếp theo của mình:                       
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
                                    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
         Như vậy do trùng hợp ngẫu nhiên mà đã có hai bài thơ tuyệt tác hình thành cùng một lúc vào nửa đêm.
                                                              *
            Thật ra người đời sau vì thấy bài thơ Phong Kiều dạ bạc quá hay nhưng vì có điểm chưa hợp lý ở câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”nên họ  đặt ra câu chuyện này để giải thích. Bởi vì Dạ bán hay bán dạ có nghĩa là nửa đêm nhưng vào nửa đêm thì đâu có chùa nào đánh chuông!
  Bài thơ:       
 Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
 Bán tự ngân câu bán tự cung

 Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
 Bán trầm thủy đế bán phù không

 Đã được ông Trần Trọng San dịch ra thơ Việt như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không

                **
           

Picture
                                           Bến Phong Kiều ngày nay 
                        (Ngày xưa Trương Kế đậu thuyền ở gần cầu vòm)

                                       



Picture
                                                            Chùa Hàn Sơn ở Tô Châu

                                                                               *Dịch và chú giải: HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

1 Comment

    DANH MỤC TÁC GIẢ:

    All
    BẠCH CƯ DỊ
    Bạch Cư Dị (tt)
    Ban Tiệp Dư
    ĐẶNG DUNG
    Đào Tấn - Việt Nam
    ĐỖ MỤC
    ĐỖ PHỦ
    ĐỖ THU NƯƠNG
    DƯƠNG KHÔNG LỘ
    Hương Hải Thiền Sư
    HUYỀN QUANG
    KHUYẾT DANH
    KHUYẾT DANH
    KIỀU TRI CHI
    Lâm Bô
    Liễu Vĩnh
    LƯ ĐỒNG
    LƯ ĐỒNG ( LÔ ĐỒNG )
    LƯƠNG Ý NƯƠNG
    LÝ BẠCH
    LÝ BẠCH (t.t)
    LÝ CHI NGHI
    Lý Diên Niên
    LÝ THANH CHIẾU
    LÝ THƯƠNG ẨN
    MÂN GIÁC
    MẠNH GIAO
    Mạnh Giao (tt)
    MẠNH HẠO NHIÊN
    NGUYỄN DU
    QUỲNH DAO
    TÀO TUYẾT CẦN
    THÔI HIỆU
    THÔI HỘ
    TÔ HUỆ
    Tô Thức (Tô Đông Pha)
    Trác Văn Quân
    TRẦN TỬ NGANG
    Trung Quốc (tt)
    TRƯƠNG KẾ
    Trương Nhược Hư
    TRƯƠNG TỊCH
    Trương Tịch (tt)
    TỪ AN TRINH
    VƯƠNG DUY
    Vương Xương Linh

Powered by Create your own unique website with customizable templates.