( 梁 意 娘)
Không rõ năm sinh , năm mất. Theo giai thoại Ý Nương thì Lương Ý Nương là con gái của Lương Tiêu Hồ, hay còn gọi là Lương Công. Sống vào cuối nhà Đường, thời Hậu Chu (907-955), ở vùng sông TiêuTương,thuộc huyện Ninh Lăng, tỉnh Hồ Nam.Nổi tiếng về sắc đẹp và hay chữ. Tuy nhiên đây chỉ là giai thoại.
長 相 思
Trường tương tư
落 花 落 葉 落 紛 紛
Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân,
盡 日 思 君 不 見 君。
Tận nhật tư quân bất kiến quân.
腸 欲 斷 兮 腸 欲 斷,
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
淚 珠 痕 上 更 添 痕。
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.
我 有 一 寸 心,
Ngã hữu nhất thốn tâm,
無 人 共 我 說。
Vô nhân cộng ngã thuyết.
願 風 吹 散 雲,
Nguyện phong xuy tán vân,
訴 與 天 邊 月。
Tố dữ thiên biên nguyệt.
攜 琴 上 高 樓,
Huề cầm thượng cao lâu,
樓 高 月 花 滿。
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
相 思 未 必 終,
Tương tư vị tất chung,
淚 滴 琴 玄 斷。
Lệ trích cầm huyền đoạn.
人 道 湘 江 深, (1)
Nhân đạo Tương giang thâm,
未 抵 相 思 畔。
Vị để tương tư bạn.
江 深 終 有 底,
Giang thâm chung hữu để,
相 思 無 邊 岸。
Tương tư vô biên ngạn.
君 在 湘 江 頭,
Quân tại Tương giang đầu,
我 在 湘 江 尾。(2)
Ngã tại Tương giang vĩ.
相 思 不 相 見,
Tương tư bất tương kiến,
同 飲 湘 江 水。
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
夢 魂 飛 不 到,
Mộng hồn phi bất đáo,
所 欠 唯 一 死。
Sở khiếm duy nhất tử.
入 我 相 思 門,
Nhập ngã tương tư môn,
知 我 相 思 苦。
Tri ngã tương tư khổ.
長 相 思 兮 長 相 思,
Trường tương tư hề, trường tương tư,
長 相 思 兮 無 盡 極。
Trường tương tư hề, vô tận cực.
早 知 如 此 罫 人 心,
Tảo tri như thử quải nhân tâm,
迴 不 當 初 莫 相 識。
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.
*Dịch nghĩa:
TƯƠNG TƯ ĐẰNG ĐẴNG
Hoa rơi, lá rụng đầy khắp.
Ngày ngày mãi nhớ chàng mà không gặp được chàng.
Ruột muốn đứt, chao ôi, ruột muốn đứt !
Lệ ngọc tuôn trào từng ngấn, lại càng thêm từng ngấn.
Thiếp có một tấc lòng.
Không có người bày tỏ
Muốn gió thổi mây tan đi.
Để nói cùng bóng trăng bên trời.
Mang đàn cầm lên lầu cao.
Lầu cao trăng hoa tràn ngập
Khúc tương tư chưa kết thúc
Nước mắt rơi làm đàn bị đứt dây.
Người bảo sông Tương sâu
Chưa bằng lòng nhớ nhau
Sông sâu còn có đáy
Lòng nhớ nhau không có cõi bờ.
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương.
Mộng hồn bay không tới
Duy chỉ còn thiếu một cái chết mà thôi.
Có vào cửa tương tư của thiếp.
Mới biết nỗi khổ của lòng tương tư.
Tương tư đằng đẵng, ôi, tương tư đằng đẵng !
Tương tư cứ kéo dài triền miên vô tận
Nếu sớm biết (yêu thương để) lòng người trắc trở như thế này
Thà buổi đầu đừng quen biết nhau.
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch.
- Dịch thơ:
TƯƠNG TƯ ĐẰNG ĐẴNG
Lá rụng, hoa rơi đầy khắp chốn.
Nhớ chàng, ngày mãi không gặp nhau.
Ruột như muốn đứt, thêm đày đoạn.
Nước mắt tuôn trào, ngấn ngấn đau.
Thiếp có một tấc lòng.
Không cùng ai bày tỏ.
Muốn gió thổi mây tan.
Nói cùng trăng bên đó.
Mang đàn lên lầu cao.
Bóng trăng hoa tràn ngập.
Khúc nhớ chưa trọn bài.
Lệ rơi dây đàn đứt.
Người bảo sông Tương sâu
Chưa bằng lòng nhớ nhau.
Sông sâu còn có đáy
Lòng nhớ lại không bờ
Chàng ở đầu sông Tương.
Thiếp ở cuối sông Tương.
Nhớ nhau mà không gặp.
Cùng uống nước sông Tương !
Mộng hồn bay không tới.
Thiếu chết để gặp nhau.
Có vào qua cửa nhớ
Mới rõ lòng khổ đau.
Tương tư đằng đẵng, thêm đằng đẵng.
Nỗi nhớ dài hơn cả biển trời.
Sớm biết yêu thương là khổ hận.
Thà xưa đừng gặp gỡ người ơi!
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
(10. 05. 2012)
- Giai thoại bài thơ:
Sách Tình sử của Trung Quốc, có ghi sự tích như sau: Vào đời nhà Hậu Chu (907- 955), ở vùng sông Tiêu Tương tỉnh Hồ Nam, có người con gái tên là Lương Ý Nương (còn gọi là Lương Y) tài sắc vẹn toàn, nàng là con gái của Lương Tiêu Hồ (梁瀟湖 )(còn gọi là Lương Công). Nàng đã gặp một hàn sĩ phong lưu tuấn tú đến ở trọ tên là Lý Sinh (李生). Hai người để ý yêu nhau. Cha Lý Sinh biết nên nổi giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương nhớ nhung đau khổ nên mới viết bài “Trường tương tư” gửi cho Lý Sinh. Xem thơ, chàng cảm động, bỏ qua mọi sự sỉ nhục, trở lại nhà nàng và tìm mọi cách để thuyết phục cha nàng xin cho họ được làm bạn đời với nhau. Trước cảnh ốm đau tiều tụy và lời lẽ thống thiết của con trong bài thơ, cuối cùng người cha đã chấp nhận và cho họ được toại nguyện.
*Ghi chú:
- (1) Tương giang: Sông Tương. Tên một con sông ở Trung Quốc. Sông phát nguyên từ núi Hải Dương, chảy ngang Hồ Nam rồi đổ vào hồ Động Đình. Có một nhánh của ngọn sông Tiêu đổ vào sông Tương ở thị trấn Linh Lăng (tỉnh Hồ Nam) nên dân gian thường nói gộp lại là sông Tiêu Tương.
Từ “Tiêu Tương” cũng được Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế giải thích như sau: “....Vua Thuấn đi tuần thú ở xứ Thương Ngô và bệnh chết ở đó. Hai bà vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm vua Thuấn đến bến sông Tiêu Tương, ngồi bên bờ sông mà khóc, nước mắt vẩy vào thân tre nên về sau tre ở bờ sông Tương lấm chấm như đồi mồi”. Tương truyền sau khi hai bà nghe vua Thuấn đã mất, hai bà đã tuẩn tiết theo chồng ở ngả rẽ sông Tiêu Tương.
Do tích này cũng như tích của nàng Lương Y và Lý Sinh mà từ sông Tương hoặc sông Tiêu Tương là lời nói ẩn dụ để chỉ về nỗi tương tư của những người yêu nhau bị ngăn cách mà người đời sau hay dùng cả ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Ví dụ:
- Giác lai lệ trích Tương giang thủy (Tỉnh dậy nước mắt nhỏ xuống dòng sông Tương)
- Sông Tương một dải nông sờ
(Truyện Kiều - Nguyễn Du (Việt Nam)
- Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại.
Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm (Việt Nam)
- (2) Câu: Ngã tại Tương giang vĩ (我 在 湘 江 尾) , có bản chép là: Thiếp tại Tương giang vĩ (妾 在 湘 江 尾)
Tuy nhiên cả toàn bài Hán văn trên , người con gái đã xưng là “ngã” (我), ngã là đại từ nhân xưng số ít, ngôi thứ nhất, có nghĩa là “tôi, ta, tao, mình, em, thiếp...”thì không thể tự dưng lại thay đổi “ngã” để xưng “thiếp” (妾) ở đây, mặc dù “thiếp” cũng có nghĩa là “ em” (với cách xưng hô nhún nhường của người con gái), bởi vì nó không đồng nhất với “ngã” đã xưng ở trong toàn bài.
Có lẽ khi qua Việt Nam, khi tách thành 2 khổ, các cụ đã chắc chắn đây là thơ của Lương Ý Nương, chứ không phải của một tác giả nào khác, nên xưng “thiếp” cho nó rõ hơn. Bởi vậy, điển tích Việt Nam đã xác định là”Quân tại Tương giang đầu./ Thiếp tại Tương giang vĩ” (Chàng ở đấu sông Tương./ Thiếp ở cuối sông Tương).Bao nhiêu thế hệ người đã học qua bài này đều như vậy, cho nên trong sáng tác âm nhạc ngày nay, ta vẫn thấy là “Anh ở đầu sông, em cuối sông” chứ không bao giờ có cảnh ngược lại là “Em ở đầu sông , anh cuối sông”.
Có người cho rằng bản thơ nguyên tác ghi như thế này là đúng: “Ngã tại tương giang đầu/ Quân tại Tương giang vĩ " (Thiếp ở đầu sông tương/ Chàng ở cuối sông Tương...) chứ không phải: “Quân tại tương giang đầu/ Ngã tại Tương giang vĩ" (Chàng ở đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương). Nếu như thế này ta sẽ thấy nó trái ngược, không hợp lý, không nhất quán với nội dung bài thơ.
Bởi lẽ, cách đây trên cả hàng nghìn năm, đầu nguồn sông Tương là nơi rừng rậm hoang vu hiểm trở, có đầy thú dữ... Hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh là phận nữ nhi chân yếu tay mềm, làm gì đi lên được ở trên đầu sông , còn nam hoàng đế là vua Thuấn lại ở cuối sông. Bởi vậy có tích khác bảo rằng khi đi tuần thú, Vua Thuấn cùng đi có cả hai bà vợ của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh cùng đi theo. Khi đến chỗ hợp lưu của 2 con sông Tiêu và sông Tương, vì địa thế quá hiểm trở, ông đành để lại hai bà vợ ở lại bến này, còn mình tiếp tục tuần thú trên miền ngược để rồi bị bệnh chết vì sơn lam chướng khí ở đó. Cho nên khi hay tin, hai bà đã tự vẫn chết theo chồng ở bến sông này.
Cũng vậy, không thể nào Lương Ý Nương ví mình (như hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh) ở đầu sông và chàng Lương Sinh lại ở cuối sông được, dù chỉ là biểu tượng để nói lên lòng tương tư. Chẳng qua là bản Hán văn chép nhầm mà thôi. Còn nếu đảo ngược vị trí đúng như vậy thì bài thơ này chưa hẳn là của Lương Ý Nương mà có thể là của một tác giả nam giới nào khác.
+ Người đời sau trich hai khổ thơ có 8 câu của bài “Trường tương tư” để tách thành một bài thơ riêng và lấy tên đầu đề là “Tương giang”. Đây là hai khổ thơ hay nhất của bài, được sớm lưu hành ở Việt Nam từ trước tới giờ.
湘 江
TƯƠNG GIANG
人 道 湘 江 深,
Nhân đạo Tương giang thâm,
未 抵 相 思 畔。
Vị để tương tư bạn.
江 深 終 有 底,
Giang thâm chung hữu để,
相 思 無 邊 岸。
Tương tư vô biên ngạn.
君 在 湘 江 頭,
Quân tại Tương giang đầu,
妾 在 湘 江 尾。
Thiếp tại Tương giang vĩ.
相 思 不 相 見,
Tương tư bất tương kiến,
同 飲 湘 江 水。
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
+ Bản dịch thơ:
Tương giang người bảo sâu
Chưa bằng lòng tương tư
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng thấy
Cùng uống nước sông Tương.
+ Trích “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế, do nhà sách Khai Trí tái bản ngày 15. 8. 1968, hai khổ thơ này dẫn chứng để diễn giải cho từ “sông Tương” (Tương giang), trang 429
Có một bản dịch tiếng Việt khác, tôi không rõ tên tác giả và chỉ ghi lại đây theo trí nhớ mà mình đã học thuộc lòng khi còn là học sinh. Vì đã quá lâu nên có thể có từ nào đó không đúng.
SÔNG TƯƠNG
Sông Tương người bảo sâu
Chưa bằng lòng mong nhớ
Sông sâu còn có đáy
Lòng nhớ lại vô bờ
Chàng ở đầu sông Tương.
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không thấy
Cùng uống nước sông Tương.
(Chưa rõ tên tác giả dịch)
*Thật ra trong hai khổ thơ trên, khổ thơ thứ hai vốn là bài nhạc phủ dân gian đã lưu hành từ thời trước, Lương Ý Nương đã mượn đưa vào bài thơ của mình.
---------------------------------------------------
- Giới thiệu bản dịch của tác giả khác về: “Trường tương tư”:
Tương tư hoài...
Dài tương tư
Hoa hoa lá lá rụng tơi bời
Lòng nhớ người sao chẳng thấy người
Ruột muốn đứt thêm, thêm đứt ruột
Châu rơi thành ngấn lại châu rơi
Ta có một tấc lòng
Không có ai mà hỏi
Muốn nhờ gió đuổi mây
Để được cùng trăng nói
Ôm đàn lên lầu cao
Lầu cao trăng giãi khắp
Tương tư khúc chẳng thành
Lệ nhỏ dây đàn đứt
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương
Hồn mộng bay không đến
Còn một chết thôi mà
Bước vào cửa tương tư
Mới biết tương tư khổ
Tương tư hoài, dài tương tư
Tương tư dài, dài khôn xiết
Sớm biết nỗi đau lòng
Xưa đừng cùng quen biết.
Dịch giả: Vũ Ngọc Khánh