TRANG THƠ HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG
  • TRANG CHỦ
  • THƠ SÁNG TÁC
    • THƠ MỚI >
      • Thơ sáng tác phần 1
      • Thơ sáng tác phần 2
      • Thơ sáng tác phần 3
      • Thơ sáng tác phần 4
      • Thơ sáng tác phần 5
    • THƠ ĐƯỜNG
  • THƠ DỊCH
    • Thơ dịch chữ Hán
    • Thơ Anh
    • Thơ Pháp
    • Thơ dịch các nước khác
  • Trang ghi chép
  • LIÊN HỆ

HOÀNG HẠC LÂU - THÔI HIỆU

12/5/2013

0 Comments

 

                              THÔI HIỆU (崔 顥)
                                  (704? -  754)

     Thôi Hiệu hay còn đọc là Thôi Hạo, quê ở Biện Châu ( nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), đổ Tiến sĩ vào năm Khai Nguyên thứ 11 (723), đời vua Đường Huyền Tông (Lý Long Cơ). Làm đến chức Tư Huân viên ngoại lang
    Đương thời, Thôi Hiệu rất nổi tiếng, nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài, trong đó có bài Hoàng Hạc lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường.

          黃 鶴 樓
          Hoàng Hạc lâu                          
                     崔 顥 (Thôi Hiệu)

昔 人 已 乘 黃 鶴 去,
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
此 地 空 餘 黃 鶴 樓。
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu     (1)
黃  鶴 一 去  不 復 返,
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
白 雲 千 載 空 悠 悠。
Bạch vân thiên tải không du du
晴 川 歷  歷 漢  陽 樹,
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ  (2)
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu     (3)
日 暮 鄉 關 何 處 是?
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
煙 波 江 上 使 人 愁。
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

+Dịch nghĩa:
            Lầu Hoàng Hạc

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất,
Trên đất này chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc     (1)
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn bay nhở nhơ trên trời
Dòng sông quang tạnh hiện rõ ràng cây cối bên bờ Hán Dương.  (2)
Cỏ thơm mọc xanh um tùm trên bãi cồn  Anh Vũ.   (3)
Trời chiều tối, không biết quê hương ở nơi nào?
Khói sóng trên sông khiến cho lòng người buồn bã!
                              HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG  dịch

+Chú thích:
- Hoàng Hạc lâu (黄鹤楼): Là lầu Hạc Vàng ở đầu cầu Vũ Xương, phía Tây bắc phủ Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, bên sông Trường giang  (còn gọi là sông Dương Tử).
            Sở dĩ có tên này là do bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian mang tính chất huyền thoại. Chuyện kể rằng: Phí Văn Vi là một người tu đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng dạo chơi khắp nơi. Một hôm tiên bay qua vùng trời Vũ Hán , tiên đã dừng chân trên “đồi Rắn” (Xà sơn) hoặc còn gọi là Hoàng Hạc sơn để nhìn cảnh đẹp của sông Dương Tử và phong cảnh Ngũ hồ.(Còn nhiều truyền thuyết khác nói về sự tích này ). Người đời sau đã xây lầu tại đây để tưởng nhớ nơi tiên đã cưỡi hạc bay lên.
       
Đó là truyền thuyết, thực ra nguồn gốc của lầu này vốn là một đài quan sát quân sự của Đông Ngô thời Tam quốc, nó liên quan đến trận Xích Bích và truyền thuyết cầu gió đông của Khổng Minh.. Sau khi nước Ngô bị diệt, đài không còn phục vụ cho nhu cầu quân sự mà được tái tạo lại để làm nơi ngoạn cảnh. Lần đầu tiên, lầu Hoàng Hạc được xây vào năm 223 Tây lịch thời Tam quốc. Lầu được xếp hạng là một trong tứ đại danh tháp của Trung Quốc, được xem là "Đệ nhất danh thắng"(The First Scenery under Heaven).             
        .Qua các thời  đại, các mặc khách tao nhân thường đến đây để dạo xem phong cảnh hữu tình,uống rượu làm thơ. Bởi vậy trong thời nhà Đường (618 – 907), Thôi Hiệu cũng đã tới đây để ngoạn cảnh đề thơ.
        Theo chiều dài lịch sử, ngôi lầu này đã có 12 lần bị phá hủy vì chiến tranh và đã được xây cất lại bằng nhiều vật liệu khác nhau . Lần tái thiết sau cùng được khánh thành vào tháng 6 năm 1985 nhưng ở cách vị trí cũ 1 km, vì vị trí cũ đã được sử dụng để làm cây cầu bắc qua sông Dương Tử. Hiện nay lầu Hoàng Hạc nằm ở trong công viên Hoàng Hạc, thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc..
-  Hán Dương: là một quận của thành phố Vũ Hán ( Vũ Hán là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, vùng đô thị này gồm có 3 quận: Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương ),. Hán Dương nằm ở phía tây nam của Vũ Hán, và ở phía nam sông Hán Thủy (Một sông nhánh đổ vào sông Dương Tử).  
- Anh Vũ châu: cồn Anh Vũ ở giữa sông Trường Giang, phía bắc lầu Hoàng Hạc, phía Tây Nam thành phố Vũ Hán. Cồn này còn gọi là Cồn Vẹt.

+ Đôi lời về bài thơ:
      -.Bài thơ Hoàng Hạc lâu là một trong những bài thơ kiệt tác của thơ Đường và trở thành khá phổ biến đối với người yêu văn học. Chuyện kể rằng khi thi tiên Lý Bạch (713-846) đến lầu Hoàng Hạc, cảm xúc vì cảnh đẹp, muốn phóng bút đề thơ nhưng sau khi đọc qua bài thơ củaThôi Hiệu đề ở nơi đây, Lý Bạch đành phải gác bút ngửa mặt than rằng: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...( Trước mắt thấy cảnh không tả được / Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu). Theo "Thương lang thi thoại", Nghiêm Vũ đời Nam Tống đã nói rằng " Đường nhân thất ngôn luật thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc Lâu đệ nhất" (Thơ niêm luật đời Đường bảy chữ, phải xếp bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất). Xem vậy bài thơ này từ lâu đã được người Trung Quốc đánh giá cao. Nhờ bài thơ  mà địa danh quận Vũ Xương, Hán Dương và thành phố Vũ Hán đã nổi tiếng khắp Trung Quốc kể từ khi bài thơ ra đời từ thế kỷ thứ 8, đã lôi kéo hàng triệu triệu du khách đến thăm.ngôi lầu và các địa danh này.
       Đề vịnh về Hoàng Hạc lâu của các thi nhân  rất nhiều. Trải qua các thời đại,  hầu hết các thi nhân đến đây đều xúc cảnh sinh tình, đã có trên 400 bài còn lưu giữ ở lầu Hoàng Hạc, tuy nhiên chỉ có bài của Thôi Hiệu là hay hơn cả.
         Bài thơ của Thôi Hiệu được tuyển chọn vào sách Ngữ văn lớp 10 của Việt Nam (Nxb Giáo dục, 2008 ), hiện còn đang dạy cho học sinh. Ngay cả ở thế hệ chúng tôi cũng đã từng được học bài này khi còn ngồi ở ghế nhà trường.     
       Bài Hoàng Hạc lâu đã được nhiều người dịch sang Việt ngữ, có người tổng hợp được hàng trăm  bản dịch. Tuy nhiên qua thời gian dài, mọi người đều công nhận rằng chỉ có bản dịch của Tản Đà theo thể lục bát là thành công hơn hết, nhất là ở hai câu cuối.
          Phải nói đây là bài thơ hay nhưng dịch ra thơ Việt khó có thể thành công, nhất là dịch theo thể thất ngôn. Tuy nhiên với tấm lòng yêu thơ,chúng tôi cũng mạo muội dịch thử để đóng góp vào phong trào chung. Nếu có gì không vừa ý mong các bạn yêu thơ lượng thứ.

+ Dịch thơ:
·        Bản 1:

                   LẦU HOÀNG HẠC

          Người xưa cưỡi hạc xa chơi.
Để lầu Hoàng Hạc riêng trời còn đây.
          Hạc không trở lại nơi này.
Nghìn năm mây trắng còn bay lững lờ.
          Hán Dương, sông rạng cây bờ.
Cồn xa Anh Vũ, cỏ tơ rợp màu.            
          Chiều trông cố quận về  đâu?            (*)
Trên sông khói sóng để sầu lòng ai!
                   HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

(* )Câu này cũng có thể thay bằng câu sát nghĩa:“Chiều hôm, làng cũ nơi đâu ?”

 ·        Bản 2:

            LẦU HOÀNG HẠC

Người xưa cưỡi hạc bay đi mất.
Bỏ lầu Hoàng Hạc đứng chơ vơ.
Hạc vàng một thuở xa biền biệt
Mây trắng ngàn năm trôi nhởn nhơ.
Sông tạnh Hán Dương cây hửng bóng.
Cồn xa Anh Vũ cỏ xanh bờ.
Chiều trông cố quận tìm đâu thấy
Khói sóng khơi buồn dạt ngẩn ngơ!
                  HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

Picture

                                  Hoàng Hạc lâu 2006

+ Giới thiệu một số bản dịch khác:

1) Bản dịch của Tản Đà:
             Lầu Hoàng Hạc

         Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
         Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
          Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
          Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

2)Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người

3)Bản dịch của Vũ Hoàng Chương:

Xưa Hạc Vàng bay vút bóng người,
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

4)Bản dịch của Trần Trọng San:
 
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất, 
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây. 
Hạc đã một đi không trở lại, 
Man mác muôn đời mây trắng bay. 
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm, 
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày. 
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy 
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.

5) Bản dịch của Khương Hữu Dụng:


Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút, 
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi! 
Hạc vàng một đã đi đi biệt, 
Mây trắng ngàn nãm bay chơi vơi. 
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng, 
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời. 
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá? 
Khói sóng trên sông não dạ người.

                         ***

0 Comments

    DANH MỤC TÁC GIẢ:

    All
    BẠCH CƯ DỊ
    Bạch Cư Dị (tt)
    Ban Tiệp Dư
    ĐẶNG DUNG
    Đào Tấn - Việt Nam
    ĐỖ MỤC
    ĐỖ PHỦ
    ĐỖ THU NƯƠNG
    DƯƠNG KHÔNG LỘ
    Hương Hải Thiền Sư
    HUYỀN QUANG
    KHUYẾT DANH
    KHUYẾT DANH
    KIỀU TRI CHI
    Lâm Bô
    Liễu Vĩnh
    LƯ ĐỒNG
    LƯ ĐỒNG ( LÔ ĐỒNG )
    LƯƠNG Ý NƯƠNG
    LÝ BẠCH
    LÝ BẠCH (t.t)
    LÝ CHI NGHI
    Lý Diên Niên
    LÝ THANH CHIẾU
    LÝ THƯƠNG ẨN
    MÂN GIÁC
    MẠNH GIAO
    Mạnh Giao (tt)
    MẠNH HẠO NHIÊN
    NGUYỄN DU
    QUỲNH DAO
    TÀO TUYẾT CẦN
    THÔI HIỆU
    THÔI HỘ
    TÔ HUỆ
    Tô Thức (Tô Đông Pha)
    Trác Văn Quân
    TRẦN TỬ NGANG
    Trung Quốc (tt)
    TRƯƠNG KẾ
    Trương Nhược Hư
    TRƯƠNG TỊCH
    Trương Tịch (tt)
    TỪ AN TRINH
    VƯƠNG DUY
    Vương Xương Linh

Powered by Create your own unique website with customizable templates.