THƠ HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG
Tác giả: HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG
Tên thật: Huỳnh Văn Vĩnh
Quê quán: Phú Yên
Tên thật: Huỳnh Văn Vĩnh
Quê quán: Phú Yên
( Ảnh năm 2001 )
Lời mở đầu.
Đây là lần đầu tiên tôi ra mắt trang thơ cùng với bạn đọc.
Trang thơ này gồm có hai phần: phần thơ sáng tác và thơ dịch. Phần thơ sáng tác gồm có thơ mới và thơ Đường. Phần thơ dịch bước đầu chỉ có các nước Pháp, Anh, Trung Quốc. Thời gian sau, tôi thấy như vậy là hạn hẹp nên đã mở rộng dịch thêm nhiều nước ở phần "Thơ dịch các nước khác". Dù thơ sáng tác hay thơ dịch, những bài thơ đó chỉ hoàn toàn mang tính chất thuần túy về văn học nghệ thuật.
Thơ sáng tác phần lớn đã có in trong một số tuyển tập, và đăng ở một số tạp chí, mang tính chất giới hạn của tác giả.
Phần thơ dịch gồm toàn bộ những số bài đã có ở các sách được xuát bản và lưu hành ở Việt Nam , có ở trong chương trình đại học hoặc có ở sách tham khảo của sinh viên. Đặc biệt ở thơ dịch, phần đông đều là những bài thơ hay nổi tiếng của các nhà thơ, các đại thi hào đã lừng danh cả thế giới hoặc các nhà thơ đã đoại giải Nobel văn học. Những bài thơ này không những giúp ích cho chúng ta về mặt thưởng ngoạn mà còn giúp ích cho chúng ta rất nhiều về phương diện sáng tác. Trước đây ở thế hệ cha anh chúng ta, có nhiều người đã nổi danh vì biết thâu thái các tinh hoa của người để sáng tạo riêng theo phong cách của mình, họ may mắn được sớm tiếp xúc nhiều bậc thi tài. Điều này cũng đúng thôi, vì muốn làm nên mật ngọt, con ong cũng phải cần hút nhụy tinh chất của nhiều loài hoa...
Về mặt chuyển ngữ, phần lớn những bài thơ này, trước đây cũng đã có người dịch. Những bậc dịch giả này có người là nhà thơ nổi tiếng, có người là giáo sư đại học, có người là nhà biên khảo, là học giả tiếng tăm v.v...đã được lưu truyền trong văn học và được giới văn học chú ý. Tuy nhiên tôi trộm nghĩ: con đường văn học là con đường dài vô tận, không phải hễ có mỗi bước chân qua là không còn ai được đặt dấu chân lên nữa. Bỡi vậy tôi mạo muội thử dịch lại. Quan điểm dịch của tôi là phải dịch sát nghĩa theo nguyên tác, không dịch theo kiểu phóng tác rời xa tinh thần nguyên bản. Nếu có câu, chữ nào bất đắc dĩ phải dịch theo kiểu đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc nghĩa tương đương thì cũng phải nói lên được tinh thần nguyên tác, nghĩa là phải trung thực với ý của tác giả chứ không phải tùy tiện theo ý mình. Sau mỗi bản dịch đều có đăng tải kèm theo một số bản dịch của các tác giả khác để bạn đọc thưởng thức, tham khảo, đối chiếu, so sánh.
Việc làm này quả thật khó khăn và cũng thật cô đơn trước cuộc sống xô bồ vật chất!
Tôi vẫn biết là chúng ta đang ở vào thời buổi cơ chế thị trường, thơ không phải là món hàng đắc dụng. Đối với thơ, có người yêu thơ đến cùng cực, có người không thích thơ. Tuy nhiên dù thích hay không thích, thơ cũng đã tồn tại hàng nghìn năm qua, song song cùng với con người.Hơn nữa đâu phải bản chất đich thật của cơ chế thị trường là muốn xóa bỏ tinh hoa ngôn ngữ, muốn xóa bỏ phần thi vị của cuộc sống và chỉ biết có giá trị của vật chất?
Lịch sử văn học cho thấy thơ có giá trị tồn tại riêng của nó. Những bài thơ hay có tuổi thọ còn dài hơn cả những tòa lâu đài dinh thự nổi tiếng. Cứ lấy ví dụ điển hình: Cung A Phòng đươc Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây cất năm 212 trước Công nguyên theo một quần thể kiến trúc dài hơn 300 dặm, được chạm trỗ điêu khắc tinh vi, vô cùng nguy nga lộng lẫy. Tuy nhiên so với bài thơ “Quan thư” – một bài thơ tình mở đầu cho bộ Kinh Thi , tuổi thọ của quần thể kiến trúc này lại ngắn hơn nó nhiều mặc dù Kinh Thi đã từng bị Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sạch. Bài thơ không mất theo lửa khói mà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong khi những tòa lâu đài tráng lệ kia đã trở thành cát bụi thời gian!
Thơ không những có giá trị tồn tại riêng của nó mà còn làm tăng giá trị cho các sản phẩm vật chất khác. Một tiếng chuông đêm được nghe ở bến Phong Kiều của Trương Kế đã làm cho ngôi chùa Hàn Sơn nhỏ bé vô danh trở nên nổi tiếng. Một bài thơ “Le pont Mirabeau” (Cầu Mi-ra-bô) của G. Apollinaire đã làm cho cây cầu nổi danh mặc dù cây cầu này không phải là cây cầu lớn nhất , đẹp nhất trong số 37 cây cầu bắt qua sông Seine. Một bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu cũng đã làm cho ngôi lầu trở nên bất tử... Nhờ có thơ mà các địa danh trên đã có hàng triệu triệu du khách đến viếng thăm. Điều này là gì nếu không bảo là do chất thơ gây xúc cảm tạo nên sự mến mộ thôi thúc trong lòng họ, vì yêu bài thơ nên họ yêu luôn cả địa danh mà thơ đã đề cập?
Thế mới biết những bài thơ hay vẫn có giá trị và sức mạnh riêng của nó.
Về công việc dịch, tôi cũng lấy làm tiếc là chỉ mới dịch được phần thơ tình, chưa có điều kiện để dịch được các đề tài khác. Tuy nhiên lĩnh vực thơ tình cũng không phải là hẹp mà nó có cả một kho tàng vô cùng phong phú. Trong đó có nhiều viên ngọc quí nổi bật mà các viên ngọc khác cũng khó lòng sánh kịp. Hơn nữa chúng tôi nghĩ: Thơ tình cũng là tấm gương soi thời gian, soi rõ được tâm hồn con người, đánh giá được cái hay, cái dở...của cả nhân loại xưa nay để giúp con người đạt đến giá trị nhân bản đích thực.
Hy vọng việc làm này sẽ được xem như việc làm của một người yêu văn học nghệ thuật. Hy vọng mỗi bông hoa nguyên tác sẽ có sắc hương riêng của mỗi mùa và bạn đọc sẽ tìm thấy niềm đồng cảm yêu thích của mình.
Cuối cùng chúng tôi xin cảm ơn các tác giả, các vị giáo sư, học giả, các bậc dịch giả đã có tài liệu trích dẫn ở đây cũng như mong được bạn đọc tha thứ cho những lỗi lầm sơ sót mắc phải.
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG
Click to set custom HTML