( ? ) Trung Đường
Thôi Hộ là một thi nhân đời Đường, chưa rõ ngày sinh ngày mất, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông (742 – 805).
Ông tự là Ân công, người quận Bác Lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa. Tương truyền ông vốn là người phong nhã nhưng sống khép kín, ít giao du Về đường khoa cử lại rất lận đận, Mãi đến năm796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ mới đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam. Ông nổi tiếng nhờ bài thơ “Đề tích sở kiến xứ”.
題 昔 所 見 處
Đề Tích Sở Kiến Xứ (1)
去 年 今 日 此 門 中
Khứ niên kim nhật thử môn trung
人 面 桃 花 相 映 紅
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
人 面 不 知 何 處 去
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
桃 花 依 舊 笑 東 風
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
崔 護 (Thôi Hộ)
+ Dịch nghĩa:
Ghi lại những điều đã thấy năm xưa
Năm ngoái ,(cũng) ngày này, tại cửa này.
Mặt người và hoa đào cùng soi nhau ánh hồng.
(Nay trở lại), mặt người không biết đã đi đâu (vắng) rồi.
(Chỉ thấy) hoa đào vẫn tươi cười với gió xuân như cũ.
+ Dịch thơ:
- Bản dịch 1:
Ghi lại những điều đã thấy năm xưa
Năm ngoái, ngày này, nơi cửa ấy
Hoa đào soi mặt ánh tươi hồng
Mặt người không biết giờ đâu vắng?
Chỉ thấy hoa cười đón gió đông.
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
- Bản dịch 2:
Ghi lại những điều đã thấy năm xưa
Năm xưa nơi lối cổng vào
Mặt người hồng ánh hoa đào thắm tươi
Mặt ai giờ khuất đâu rồi?
Hoa đào lối cũ vẫn cười gió đông. (2)
· HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
*Chú thích:
(1) Bài này còn có tên đầu đề khác là: “ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG”(題都城南莊: Đề thơ ở gia trang phía nam thành đô) (thành đô tức là kinh đô Trường An của nhà Đường nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, một trong 4 cố đô của Trung Hoa). Bài thơ được trích trong "Thành Ngữ Cố Sự Đệ Nhất Tập", do Bành Minh Huy biên soạn, nhà xuất bản Hải Hoa Văn Khố ấn hành vào tháng 9 năm 78 đời Trung Hoa Dân Quốc .
(2) Đông phong: Gió đông: gió đông ở đây có nghĩa là gió xuân, vì gió xuân ở Trung Quốc thổi đến từ hướng đông. Bởi vậy có bản chép là xuân phong ở câu cuối “Đào hoa y cựu tiếu xuân phong” (桃 花 依 舊 笑 春 風)
*Giới thiệu sự tích bài thơ:
Theo giai thoại, nhân một lần trong dịp tiết Thanh minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam kinh đô Trường An. Chàng trai thấy có một vườn đào đang nở hoa rất đẹp, chàng đến gõ cổng nhà ấy xin nước uống. Người ra mở cổng là một thiếu nữ xinh đẹp. Màu hồng của hoa đào và màu hồng của khuôn mặt giai nhân đã làm chàng trai sửng sốt.Uống nước xong, chàng cảm ơn ra đi và mang theo hình bóng ấy.
Tiết Thanh minh năm sau, chàng trở lại Đào hoa trang cũng gõ cửa xin nước uồng nhưng lại không gặp cô gái. Không nén được cảm xúc, chàng đã đề bài thơ lên cổng rồi ra đi.
Ít lâu sau, vì bị tình cảm thôi thúc, chàng vội trở lại Đào hoa trang để mong gặp lại người xưa. Đến nơi, thấy cảnh nhà tất bật, lại có tiếng khóc vọng ra, chàng hỏi thăm mới biết cô gái vừa qua đời. Với tâm trạng đau đớn, chàng xin được phép vào thăm. Lúc gặp ông lão – cha cô gái, chàng mới hiểu sự tình. Chính vì đọc bài thơ của chàng mà nàng bị tương tư, bỏ ăn bỏ uống và mới vừa trút hơi thở. Tuy đã mất nhưng người vẫn còn ấm nên chưa khâm liệm. Nghe qua, chàng ứa nước mắt, xin được vào gặp thi thể người đẹp. Chàng quì bên giường khóc than kể lể. Bỗng nhiên cô gái chợt tỉnh dậy làm cả nhà vui mừng khôn xiết. Sau đó họ trở thành vợ chồng. Thôi Hộ cố gắng dùi mài kinh sử, thi đỗ ra làm quan. Họ sống với nhau đến răng long đầu bạc.
Không hiểu giai thoại này thực hư như thế nào nhưng có lẽ vì bài thơ(nguyên tác) quá hay nên người đời đặt ra chuyện ly kỳ để tăng thêm phần thơ mộng và giá trị bất hũ của nó.
Có điều thú vị là Đài Loan đã đóng một bộ phim nhiều tập với tên là “Nhân diện đào hoa” mà nội dung chuyện phim lại dựa vào bài thơ với chuyện tình của Thôi Hộ
***
+Giới thiệu một số bản dịch khác:
- Thi hào Nguyễn Du: Mặc dù không có dịch nguyên bài nhưng ông đã mượn hai câu sau đưa vào tác phẩm “Truyện Kiều”, đoạn tả cảnh Kim Trọng trở lại vườn thúy mà không gặp Kiều:
.... Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Câu 2748)
- Bản dịch của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu :
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.
- Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Hôm nay, năm ngoái, cửa này.
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
- Bản dịch của ôngTrần Trọng San?
Hôm nay năm ngoái cổng này,
Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người.
Mặt người đã ở đâu rồi ?
Hoa đào nay vẩn còn cười gió đông.
- Bản dịch của ông Bùi Khánh Đản:
Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song
Hoa đào ánh má, mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông