Thiền sư Huyền Quang( 玄光(1254 -1334) có tên thật là Lý Đạo Tái (李道載) ,người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang ( nay thuộclàng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ), năm 9 tuổi đã biết làm thơ văn.Ông là nhà sư uyên bác, thơ văn trang nhã sâu sắc. Có tập thơ:“ Ngọc tiên tập” . Ông đứng vào hàng “ tổ sư thứ ba” dòng Trúc Lâm Yên Tử trong quốc tự đời Trần. Người ta xem ông cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa được sánh ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền tông Ấn Độ.Ông mất ở chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương.
*Ngyên tác :
春 日 即 事
二 八 佳 人 剌 繡 遲
紫 荊 花 下 囀 簧 鸝
可 憐 旡 限 傷 春 意
盡 在 停 鍼 不 語 時
*Dịch âm :
XUÂN NHẬT TỨC SỰ.
Nhị bát giai nhân thích tú trì .
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý.
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
*Dịch nghĩa :
TỨC CẢNH NGÀY XUÂN
Cô gái đẹp 16 tuổi xuân bỗng dừng chậm lại tay thêu.
Vì dưới lùm hoa tử kinh có tiêng hót thánh thót của chim hoàng oanh.
Cô để lòng thương vô hạn về mỗi ý tình xuân.
(Đến nỗi) đường kim ngưng phắc lại trong giây phút mà không nói nên lời
*Dịch thơ :
-Bản dịch 1:
NGÀY XUÂN TỨC CẢNH
Giai nhân mười sáu tuổi xuân
Đường thêu bỗng chậm ngập ngừng trên tay
Tử kinh hoa tím phô bày
Hoàng oanh thánh thót dưới cây động lòng
Cảm thương xuân ý vô cùng
Để kim ngưng phắc mà không nên lời.
* HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
- Bản dịch 2:
NGÀY XUÂN TỨC CẢNH
Giai nhân mười sáu, tay thêu chậm
Bởi tiếng hoàng oanh dưới tử kinh
Thương quá nỗi lòng xuân ý đến
Ngừng kim không nói ngẩn ngơ tình.
*HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
******
*Chú thích :
Theo ông Nguyễn Công Lý,tác giả bài “Rạo rực tình xuân”( đăng ở tạp chí Kiến thức ngày nay” số 702,ngày 10.02.2010) ông đã cho bài thơ trên là hiện tượng độc đáo “Vô tiền khoáng hậu”trong văn chương bỡi vì tác giả của nó là một thiền sư.
*Tử kinh:Là loại cây mọc thành từng buội, liền cành, cao khoảng 4 đến 5 thước, lá lớn, có hoa nhỏ màu tím; người xưa thương hay trồng vào giữa sân.Trong văn học, cây này có nhiều điển tích, người ta dùng chữ “tử kinh” để chỉ tình anh em ruột thịt hoặc tình vợ chồng thắm thiết.
Chuyện kể anh em nhà họ Điền lúc ở chung hoà thuận với nhau, cây kinh xanh tốt; lúc định chia nhau ở riêng, cây kinh héo úa, người anh trưởng khóc và nói với hai người em: “Cây lá cùng một gốc,nay ta sắp sửa phân chia nên nó đau đớn mà khô héo. Anh em ta nào khác chi cây này”. Hai người em nghe nói cảm động, cùng ôm nhau khóc và thôi không phân chia gia tài nữa..Lại có chuyên kể bà Mạnh Quang đời nhà Hán, thường lấy cành kinh làm thoa đeo nên nguời đời sau gọi vợ là “kinh”như” chuyết kinh”(người vợ vụng dại của tôi), hoặc “ kinh thất”(Nhà tôi,vợ tôi).v.v .Ngoài ra còn rấ nhiều điển tích khác.
*Bài dịch khác của giáo sư Huệ Chi :
Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều,
Hoa rợp, hoàng oanh lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy
Là khi không nói chợt dừng thêu.