TRANG THƠ HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG
  • TRANG CHỦ
  • THƠ SÁNG TÁC
    • THƠ MỚI >
      • Thơ sáng tác phần 1
      • Thơ sáng tác phần 2
      • Thơ sáng tác phần 3
      • Thơ sáng tác phần 4
      • Thơ sáng tác phần 5
    • THƠ ĐƯỜNG
  • THƠ DỊCH
    • Thơ dịch chữ Hán
    • Thơ Anh
    • Thơ Pháp
    • Thơ dịch các nước khác
  • Trang ghi chép
  • LIÊN HỆ

Thơ Lý Bạch (tt)

4/11/2017

0 Comments

 

                    Lý Bạch (tt)
              (701 – 762) – Thịnh Đường
              (Xem tiểu sử đã đăng kỳ trước)
長 相 思  其一 
Trường tương tư -  kỳ 1
      (1)

長 相 思,
Trường tương tư,  
在 長 安。
Tại Trường An.  (2)
絡 緯 秋 啼 金 井 闌, 
Lạc vĩ thu đề kim tỉnh lan, 
微 霜 淒 淒 簟 色 寒。
Vi sương thê thê điệm sắc hàn.  
孤 燈 不 明 思 欲 絕,
Cô đăng bất minh tứ dục tuyệt, 
卷 帷 望 月 空 長 嘆。
Quyển duy vọng nguyệt không trường thán.  
美 人 如 花 隔 雲 端,
Mỹ nhân như hoa cách vân đoan,  
上 有 青 冥 之 高 天,
Thượng hữu thanh minh chi cao thiên,  
下 有 淥 水 之 波 瀾。
Hạ hữu lục thuỷ chi ba lan. 
天 長 路 遠 魂 飛 苦,
Thiên trường địa viễn hồn phi khổ,  
夢 魂 不 到 關 山 難 。
Mộng hồn bất đáo quan san nan. 
長 相 思,
Trường tương tư,  
摧 心 肝。
Tồi tâm can.

 * Dịch nghĩa :
Nhớ nhau hoài  - Bài 1      (1)

Nhớ nhau hoài, 
Tại Trường An. (2)
Guồng tơ quay vọng ra tiếng thu bên lan can giếng vàng,
Sương nhẹ rơi lạnh lẽo trên sắc chiếu tre.
Ngọn đèn cô quạnh không đủ sáng, nỗi nhớ muốn làm đứt đường tơ,
Cuốn rèm, trông lên vầng trăng trên không gian buông tiếng than dài.
Người đẹp như hoa bị che khuất sau áng mây,
Bên trên có sắc đen u ám của trời cao,
Bên dưới có dòng nước xanh lục nổi sóng.
Trời dài đất rộng khiến tâm hồn khổ đau chất ngất,
Mộng hồn không đến được nơi quan san hiểm trở.
Nhớ nhau hoài,
Nát cả ruột gan.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

•    Dịch thơ:
+ Bản 1:
Nhớ nhau hoài  - Bài 1

Nhớ nhau hoài, 
Tại Trường An. 
Tơ dệt tiếng thu bên giếng vàng,
Sương nhẹ lạnh rơi trên chiếu trúc.
Đèn mờ cô lẻ , sầu tơ đứt,
Cuốn rèm trông trăng chợt thở dài.
Người đẹp như hoa mây che khuất,
Trên cao chợt thoáng sắc âm u,
Dưới sâu sóng gợn dòng nước lục.
Đất rộng trời dài, đau chất ngất,
Mộng hồn không đến được quan san.
Nhớ nhau đằng đẵng,
Lòng nát tan.
           HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

. Chú thích:
(1) Trường tương tư: Tên một khúc hát được soạn ra từ thời Lục triều ( 222 – 589).
(2)Trường An: Tên kinh đô đầu tiên có từ thời cổ đại Trung Quốc ở tinh Thiểm Tây , đã trải qua 10 triều đại, trong số đó nổi tiếng nhất là thời nhà Hán và nhà Đường.


+ Bản dịch 2:
Nhớ nhau hoài  - Bài 1

 Trường An thiếp mãi tương tư,
Guồng tơ vọng lại tiếng thu giếng vàng.
Sương buông lạnh lẽo chiếu đan,
Đèn mờ, nỗi nhớ để làn tơ rơi.
Cuốn rèm trông đến phương trời,
Thở dài nhìn ánh trăng soi mượt mà.
Mỹ nhân đẹp tựa như hoa,
Mây che khuất bóng nhạt nhòa khuôn trăng.
Trên không chợt thoáng tối tăm,
Dưới sâu nước lục gợn dòng sóng xao.
Hỏi cùng đất rộng trời cao,
Khổ đau chất ngất phương nào chinh lang.
Mộng hồn cách trở quan san,
Nhớ nhau đằng đẵng ruột gan rã rời.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

   長相思其二
Trường tương tư - kỳ 2    

日 色 欲 盡 花 含 煙,
Nhật sắc dục tận hoa hàm yên,  
月 明 如 素 愁 不 眠。
Nguyệt minh như tố sầu bất miên.  
趙 瑟 初 停 鳳 凰 柱
Triệu sắt (1) sơ đình phụng hoàng trụ,(2) 
蜀 琴 欲 奏 鴛 鴦 絃。
Thục cầm(3) dục tấu uyên ương huyền. (4)  
此 曲 有 意 無 人 傳,
Thử khúc hữu ý vô nhân truyền, 
願 隨 春 風 寄 燕 然。
Nguyện tuỳ xuân phong ký Yên Nhiên. (5) 
憶 君 迢 迢 隔 青 天,
Ức quân thiều thiều cách thanh thiên,  
昔 時 橫 波 目, 
Tích thì hoành ba mục, 
今 作 流 淚 泉。 
Kim tác lưu lệ tuyền. 
不 信 妾 腸 斷, 
Bất tín thiếp trường đoạn, 
歸 來 看 取 明 鏡 前。
Qui lai khán thủ minh kính tiền.

  + Dịch nghĩa :
Nhớ nhau hoài  - Bài 2

Sắc mặt trời lặn tắt, hoa ngậm khói,
Trăng sáng như lụa, nỗi sầu thao thức miên man.
Cây đàn sắt nước Triệu vừa ngưng trục phượng hoàng,
Đàn cầm nước Thục lại muốn trổi dây uyên ương.
Khúc đàn này có tình ý mà không có người để truyền đạt lại,
Thiếp muốn gửi theo gió xuân đưa đến chốn Yên Nhiên. (1)
Nhớ chàng dằng dặc cách chốn trời xanh,
Ngày xưa sóng mắt đưa ngang,
Nay làm thành suối lệ tuôn chảy.
Nếu không tin thiếp đứt ruột,
Hãy về cùng ngắm trước tấm gương trong.
              HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

•    Dịch thơ:
+ Bản dịch 1:
Nhớ nhau hoài  - Bài 2

Trời ngả hoàng hôn, hoa ngậm khói,
Ánh trăng như lụa, sầu miên man.
Đàn Triệu (1) vừa ngưng trục phượng hoàng, (2)
Uyên ương (3) lại trổi dây đàn Thục. (4)
Khúc này tình ý không người truyền,
Muốn gửi gió xuân đến Yên Nhiên. (5)
Nhớ chàng dằng dặc phương trời thẳm,
Ngày xưa sóng mắt ngang tầm ngắm,
Nay thành suối lệ mạch sầu tuôn.
Nếu không tin thiếp đau đứt ruột,
Hãy về cùng ngắm trước đài gương.
                    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch.

+ Bản dịch 2:
Nhớ nhau hoài  - Bài 2

Hoàng hôn, hoa ngậm khói sương,
Ánh trăng như lụa để buồn miên man.
Sắt cầm ngưng phiếm phượng hoàng,
Tiếp dây đàn Thục trổi làn uyên ương.
Khúc này đầy ý vấn vương,
Mà không người để trao truyền tình quân.
Bồi hồi muốn mượn gió xuân,
Đến Yên Nhiên gửi nỗi lòng xa xôi.
Nhớ chàng dằng dặc không nguôi,
Trời xanh thăm thẳm chia đôi lỡ làng.
Ngày xưa sóng mắt trao ngang,
Nay thành suối lệ hàng hàng sầu tuôn.
Không tin thiếp khổ đoạn trường,
Hãy về ngắm trước đài gương soi cùng.
                  HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch.

(1) Triệu sắt: 趙瑟:Cây đàn sắt của nước Triệu (403 TCN–222 TCN) thời Chiến Quốc , gọi tắt là đàn Triệu. Theo sách Thế bản thì đàn này  do Bào Hi làm ra đầu tiên có 50 dây. Về sau đàn  đã được đã chế tác lại thành 25 dây.
 (2) Trục phượng hoàng: Phượng hoàng trụ 鳳 凰 柱Trục được khắc hình chim phượng hoàng, (hay còn gọi là phụng hoàng). Đây là loài chim thuộc  một trong bốn  biểu tượng tứ linh (long, lân, qui, phụng)  của Trung Quốc và một số nước khác.
    Cách đây khoảng 2200 năm, vào thời nhà Hán, người ta đã sử dụng biểu tượng Phượng Hoàng cho ý nghĩa hạnh phúc, trang nhã, đức hạnh...  Phượng là con chim trống và Hoàng là con chim mái quay mặt vào nhau thể hiện sự hòa hợp âm dương, sự quan hệ hạnh phúc giữa chồng và vợ.
(3)Thục cầm: 蜀琴 Đàn đất Thục, loại đàn có 7 dây. 
Theo sự tích thì Tư Mã Tương Như (179 tr.CN - 117 tr.CN)- người đất Thục ở thời Tây Hán đã chơi loại đàn này hay nổi tiếng. 
(4)    Uyên ương huyền: 鴛鴦絃 Dây Uyên Ương.
Uyên là loài chim giống vịt trời, con trống được gọi là Uyên, chim mái được gọi là Ương. Loài chim này lúc nào cũng đi có đôi với nhau nên biểu hiện cho tình vợ chồng thắm thiết. Dây uyên ương ở đây được hiểu: dây trống (dây to) là uyên và dây mái (dây nhỏ) là ương, hình thể lớn nhỏ của dây còn mang biểu tượng âm dương theo dịch học và có liên quan đến ý nghĩa uyên ương đã nêu. 
(5)Yên Nhiên: Tên một ngọn núi, còn gọi là Yên Chi Sơn. ở huyện Tuyên Hoá, thuộc Sát Cáp Nhĩ.Theo Hậu Hán thư thì núi này cách nơi quan ải đến ba nghìn dặm.
(tham khảo theo các tư liệu  của Bách khoa tri thức, Bách khoa toàn thư và một số sách khác)
                

Picture
0 Comments

Thơ Lư Đồng (hay Lô Đồng) (tt)

3/30/2017

0 Comments

 

     Lư Đồng (盧仝)   (tt)                                          (Còn gọi là Lô Đồng)            
                   (778  -   835)  Trung Quốc 

  (Xem tiểu sử đã có ở bài "Hữu sở tư" đăng vào kỳ trước)



   樓上女兒曲 
Lâu thượng nữ nhi khúc

誰家女兒樓上頭,
Thùy gia nữ nhi lâu thượng đầu, 
指揮婢子挂簾鉤。
Chỉ huy tì tử quải liêm câu.  
林花撩亂心之愁,
Lâm hoa liêu loạn tâm chi sầu,  
捲卻羅袖彈箜篌。
Quyển khước la tụ đàn không hầu.
箜篌歷亂五六弦,
Không hầu lịch loạn ngũ lục huyền,  
羅袖掩面啼向天。
La tụ yểm diện đề hướng thiên.  
相思弦斷情不斷,
Tương tư huyền đoạn tình bất đoạn,  
落花紛紛心欲穿。 
Lạc hoa phân phân tâm dục xuyên.
心欲穿, 
Tâm dục xuyên,
憑欄干。
Bằng lan can.  
相憶柳條綠,
Tương ức liễu điều lục,
相思錦帳寒。
Tương tư cẩm trướng hàn.  
直緣感君恩情一回顧,
Trực duyên cảm quân ân tình nhất hồi cố,  
使我雙淚長珊珊。 
Sử ngã song lệ trường san san.
我有嬌靨侍君笑,
Ngã hữu kiều diệp thị quân tiếu,  
我有嬌蛾待君掃。
Ngã hữu kiều nga đãi quân tảo.
鶯花爛熳君不來,
Oanh hoa lạn mạn quân bất lai,
及至君來花已老。
Cập chí quân lai hoa dĩ lão.
心腸寸斷誰得知,
Tâm trường thốn đoạn thùy đắc tri,  
玉階冪歷生青草。
Ngọc giai mịch lịch sinh thanh thảo.

+ Dịch nghĩa:

Khúc hát người con gái trên lầu cao

Có người con gái nhà ai trên lầu cao,
Sai khiến nàng hầu cuốn treo rèm vào móc.
Hoa rừng gợi lòng sầu bối rối,
Nàng cuộn ống tay áo lưới, gảy cây đàn Không Hầu.
Đàn Không Hầu (1) rộ lên loạn tiếng năm, sáu dây,
Nàng đưa tay áo là che mặt hướng lên trời kêu khóc.
Mối tương tư làm dây đàn đứt nhưng tình không đứt,
Hoa rụng ngổn ngang khắp chốn gây lòng nát tan.
Lòng nát tan,
Tựa lan can.
Nhớ nhau nhìn cành liễu biếc,
Mối tương tư làm màn gấm lạnh lẽo.
(Nàng than vãn:) Mối duyên lở dở này khiến cho thiếp cảm xúc nhớ lại ân tình chàng,
Khiến thiếp tuôn đôi dòng lệ nối dài long lanh.
Thiếp có lúm đồng tiền đẹp khi cười dành để tặng chàng,
Thiếp có mày ngài đẹp đợi chàng đến tô điểm.
Lời oanh và sắc hoa đang rực rỡ, sao chàng lại không đến,
Chờ cho tới khi chàng đến, sợ e hoa đã tàn.
Lòng đứt từng đoạn mà ai nào có hay,
Bặc thềm ngọc đã bị cỏ xanh mọc hoang che lấp.
               HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG tạm dịch.

+ Dịch thơ:
Khúc hát người con gái trên lầu cao

Lầu cao, cô gái nhà ai,
Sai người tì nữ vén cài rèm châu.
Hoa rừng gợi lòng sầu bối rối,
Vén ống tay áo lưới dạo đàn.
Không Hầu (1) loạn tiếng buốt vang,
Lấy tay che mặt khóc than cùng trời.
Bởi tương tư rã rời dây đứt,
Nhưng tình này không dứt chàng ơi!
Ngổn ngang khắp chốn hoa rơi,
Để lòng tan nát, tựa người lan can.
Lòng nhớ nhau nhìn hàng liễu thắm,
Nỗi tương tư màn gấm lạnh hoài.
Cảm duyên nhớ lại tình ai,
Khiến đôi dòng lệ nối dài long lanh.
Lúm tiền xinh thiếp dành cười tặng,
Mày thiếp xinh muốn nhắn chàng tô.
Lời oanh, rực rỡ hoa phô,
Sao chàng không đến để chờ bấy lâu.
Khi chàng đến còn đâu xuân sắc,
Hoa đã tàn héo hắt sầu mây.
Lòng đau đứt đoạn nào hay,
Lối xưa thềm ngọc xanh đầy cỏ hoang.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch


•    Chú thích:
(1)    Đàn Không Hầu:
Đàn Không Hầu là loại đàn gảy cổ xưa của Trung Quốc, xuất hiện đến nay đã hơn 2000 năm, được sử dụng nhiều vào thời Thịnh Đường (618 – 907). Có 2 loại: đàn nằm và đàn đứng. Đàn Không Hầu cổ có số dây tùy theo  lịch sử phát triển của mô hình, có tư liệu cho là 7, 10, 11, 16, 20, 22, 23, 25 dây hoặc hơn nữa... Riêng ngày nay đàn Không Hầu được tái chế lại theo kết cấu mới như đàn Không Hầu trụ Én có hai hàng dây. Mỗi hàng có 36 dây, tổng cộng là 72 dây
(Theo nhiều tư liệu của Bách khoa toàn thư)


  

Picture

                         Người đàn bà chơi đàn Không Hầu

0 Comments

Thơ Trương Tịch (tt)

12/16/2016

0 Comments

 

                 Trương Tịch (tt)
       (767- 830)-Trung Quốc (thờiTrung Đường)

(Xem tiểu sử đã có ở bài “Tiết phụ ngâm” đăng ở trước đây)

白 頭 吟
Bạch đầu ngâm                                     

請 君 膝 上 琴,
Thỉnh quân tất thượng cầm,  
彈 我 白 頭 吟。
Đàn ngã "Bạch đầu ngâm".  
憶 昔 君 前 嬌 笑 語,
Ức tích quân tiền kiều tiếu ngữ,  
兩 情 宛 轉 如 縈 素。
Lưỡng tình uyển chuyển như vinh tố.  
宮 中 為 我 起 高 樓,
Cung trung vị ngã khởi cao lâu, 
更 開 花 池 種 芳 樹。
Cánh khai hoa trì chủng phương thụ.  
春 天 百 草 秋 始 衰,
Xuân thiên bách thảo thu thuỷ suy,  
棄 我 不 待 白 頭 時。
Khí ngã bất đãi bạch đầu thì.  
羅 襦 玉 珥 色 未 暗,
La nhu ngọc nhĩ sắc dĩ ám,  
今 朝 已 道 不 相 宜。
Kim triêu dĩ đạo bất tương nghi.  
揚 州 青 銅 作 明 鏡,
Dương Châu thanh đồng tác minh kính,  
暗 中 持 照 不 見 影。
Ám trung trì chiếu bất kiến ảnh.  
人 心 回 互 自 無 窮,
Nhân tâm hồi hỗ tự vô cùng,  
眼 前 好 惡 那 能 定。
Nhãn tiền hiếu ố na năng định.  
君 恩 已 去 若 再 返,
Quân ân dĩ khứ nhược tái phản,  
菖 蒲 花 開 月 長 滿。
Xương bồ hoa khai nguyệt trường mãn.


+ Dịch nghĩa:
    Khúc ngâm đầu bạc

Xin chàng nâng đàn lên gối,
Gảy cho thiếp nghe khúc “Bạch đầu ngâm”.
Nhớ xưa chàng từng nói cười đẹp đẽ,
Đôi tình uốn lượn như tơ trắng quấn quanh.
Chốn nội cung đã dựng lên lầu cao vì thiếp,
Ao hoa càng nở rộ bên cây thơm được trồng.
Trời xuân trăm thứ cỏ cây sao vội bắt đầu nhuộm sắc thu tàn úa,
Rời bỏ thiếp không đợi đến lúc bạc đầu.
Áo lụa, hoa tai ngọc, sắc chưa mờ cũ,
Sao ngày nay chọn con đường rẽ chia để không còn sum họp.
Đồng xanh Dương Châu làm kính trong,
Lòng gương ố mờ khiến soi không thấy ảnh.
Lòng người tưởng nhớ về nhau vốn không cùng,
Việc yêu, ghét trước mắt đó khó có thể phân định.
Ân tình chàng đã qua nếu như còn quay về lại,
Hoa xương bồ sẽ luôn nở đầy khắp dưới trăng.
        HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Dịch thơ:
-    Bản dịch 1:
Khúc ngâm đầu bạc

Xin chàng hãy nâng đàn lên gối.
Gảy thiếp nghe khúc “Bạch đầu ngâm”.
Nhớ xưa cười nói vẻ xuân,
Tơ tình đôi lứa đã từng quấn quanh.
Chốn nội cung, lầu dành cho thiếp,
Hoa đầy ao, cây tiếp đường thơm.
    Trời xuân bách thảo tươi non,
Tàn thu không hẹn nét son bạc đầu.
Hoa tai ngọc, áo khâu chưa ố,
Sao đường đời lở dở xa nhau.
Đồng xanh làm kính Dương Châu,
Gương mờ ảm đạm soi đâu rõ hình.
Lòng tưởng nhau đã sinh chất ngất,
Ghét hay yêu trước mắt khó phân.
    Tình chàng trở lại không ngăn,
Hoa xương bồ hẹn dưới trăng nở đầy.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
        

Picture

                      Hoa xương bồ Trung Quốc

-    Bản dịch 2:
Khúc ngâm đầu bạc

Xin chàng hãy nâng đàn lên gối,
Gãy thiếp nghe khúc “Bạch đầu ngâm”
Nhớ xưa cười nói sao phong nhã,
Đôi lứa tơ tình để quấn quanh.

Cung nội lầu cao vì thiếp dựng,
Cây thơm, hoa nở rộ ao sâu.
Trời xuân bách thảo thu vàng úa,
Bỏ thiếp không theo đến bạc đầu.

Hoa tai, áo lụa chưa hoen sắc,
Đường đời sao nỡ để chia xa.
Đồng xanh làm kính Dương Châu ngắm,
Gương ố soi mờ bóng mặt hoa.

Lòng chàng ý thiếp vô cùng tận,
Ghét yêu trước mắt dễ ai phân.
Tình xưa chàng có còn quay lại,
Sẽ thấy xương bồ nở dưới trăng.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

                                









0 Comments

Thơ Trương Nhược Hư (张若虚)

12/16/2016

1 Comment

 

         Trương Nhược Hư (张若虚)
    (Khoảng 660 - 720)-Trung Quốc (Sơ Đường)

         Trương Nhược Hư  sinh ở Dương Châu, nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô. Ông từng làm quan ở Duyện Châu, sau từ quan đi chu du thiên hạ. Là nhà thơ thời Sơ Đường, Trung Quốc. Bản tính ông không màng danh lợi, thường kết bạn với Hạ Tri Chương, Trương Húc, Bao Dung. Người đời gọi nhóm này là "Ngô trung tứ sĩ" và xếp  vào Ỷ mĩ phái. Ông sáng tác nhiều nhưng đã bị thất lạc hết, nay chỉ còn 2 bài thơ là Đại đáp khuê mộng hoàn (Đáp thay Khuê Mộng Hoàn) và Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm trăng hoa trên sông xuân) được ghi ở Toàn Đường thi . Các nhà phê bình đã đánh giá thơ ông “trong sáng hoa lệ, giàu chất trữ tình, có vị trí quan trọng trong sự chuyển biến thơ ca từ thời sơ Đường đến thịnh Đường...”

春 江 花 月 夜  
Xuân giang hoa nguyệt dạ           

春 江 潮 水 連 海 平,
Xuân giang triều thuỷ liên hải bình, 
海 上 明 月 共 潮 生。
 Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh. 
灩 灩 隨 波 千 萬 里,
 Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý, 
何 處 春 江 無 月 明。
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.  
江 流 宛 轉 繞 芳 甸,
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,  
月 照 花 林 皆 似 霰。
Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tiển.  
空 裏 流 霜 不 覺 飛,
 Không lý lưu sương bất giác phi, 
汀 上 白 沙 看 不 見。
 Đinh thượng bạch sa khan bất kiến. 
江 天 一 色 無 纖 塵,
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần, 
皎 皎 空 中 孤 月 輪。
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân. 
江 畔 何 人 初 見 月,
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?  
江 月 何 年 初 照 人。
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân? 
人 生 代 代 無 窮 已,
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ, 
江 月 年 年 只 相 似。
Giang nguyệt niên niên chỉ tương tự. 
不 知 江 月 待 何 人,
 Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân, 
但 見 長 江 送 流 水。
Đãn kiến trường giang tống lưu thuỷ. 
白 雲 一 片 去 悠 悠,
Bạch vân nhất phiến khứ du du, 
青 楓 浦 上 不 勝 愁。
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu.  
誰 家 今 夜 扁 舟 子,
Thuỳ gia kim dạ thiên chu tử, 
何 處 相 思 明 月 樓。
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu? 
可 憐 樓 上 月 徘 徊,
Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi, 
應 照 離 人 妝 鏡 臺。
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.  
玉 戶 帘 中 捲 不 去,
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,  
搗 衣 砧 上 拂 還 來。
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.  
此 時 相 望 不 相 聞,
Thử thời tương vọng bất tương văn, 
願 逐 月 華 流 照 君。
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.  
鴻 雁 長 飛 光 不 度
Hồng nhạn trường phi quang bất độ, 
魚 龍 潛 躍 水 成 文。
Ngư long tiềm dược thuỷ thành văn.  
昨 夜 閒 潭 夢 落 花,
Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa, 
可 憐 春 半 不 還 家。
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.  
江 水 流 春 去 欲 盡,
Giang thuỷ lưu xuân khứ dục tận,  
江 潭 落 月 復 西 斜。
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.  
斜 月 沉 沉 藏 海 霧, 
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ, 
碣 石 瀟 湘 無 限 路。
 Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ. 
不 知 乘 月 幾 人 歸,
 Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy, 
落 月 搖 情 滿 江 樹。
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.

+ Dịch nghĩa:
Xuân giang hoa nguyệt dạ        (1)   
(Đêm trăng  hoa trên sông xuân)

Thủy triều sông xuân nối liền với mặt bằng nước biển,
Trăng sáng trên biển mọc lên cùng với thủy triều.
Nước động sóng sánh theo sóng lùa ngàn vạn dăm,
Có nơi nào trên sông xuân mà không có ánh trăng sáng.
Dòng sông uốn lượn quanh co qua vùng có hương thơm,
Trăng chiếu xuống rừng hoa trải đều khắp nơi giống như rải hạt tuyết.
Sương trôi trong không gian mà  ngỡ như ngừng đọng,
Cát trắng trên bãi sông (trắng quá) nhìn không ra.
Trời và sông hòa cùng một sắc không gợn chút bụi,
Chỉ có một vầng trăng cô lẻ sáng lấp lánh giữa trời.
Nơi bờ sông người nào thấy trăng đầu tiên?
Trăng trên sông năm nào đã chiếu đầu tiên xuống người trông thấy?
Nhân sinh đời đời vẫn tiếp diễn không cùng,
Trăng trên sông hàng năm vẫn chỉ tương tự giống nhau.
Không biết trăng trên sông đợi ai,
Chỉ thấy con sông dài đưa đi dòng nước chảy.
Mây trắng một dải bay nhởn nhơ,
Cây phong xanh trên bến sông buồn không kể xiết.
Đêm nay nhà ai bơi con thuyền nhỏ,
Nơi lầu trăng sáng tương tư về chốn nào?
Đáng thương cho bóng trăng bồi hồi ở trên lầu,
Phải chiếu vào đài gương trang điểm của người chịu cảnh chia ly.
Trong bức mành cửa ngọc đã cuốn lên, trăng vẫn không chịu rời đi,
Trên phiến đá kê để chày đập giặt áo đã lau rồi, trăng vẫn cứ ở lại.
Giờ này cùng ngắm mà không thể cùng nghe tiếng của nhau,
Lòng muốn đuổi theo bóng trăng đẹp chiếu đến nơi chàng.
Chim hồng nhạn bay xa nhưng không thể mang theo độ sáng của trăng,
Cá rồng lặn nhảy làm nước xao động loang thành đường rẽ.
Đêm qua mơ thấy hoa rụng khi nhàn du bên đầm, 
Đáng thương cho người nửa xuân không trở lại nhà,
Nước sông chảy cuốn xuân đi muốn hết,
Trẳng xế bóng về hướng Tây ven sông (2).
Trăng nghiêng lặn núp vào sương biển,
Núi Kiệt Thạch (3), sông Tiêu Tương (4) còn để lối vô tận.
Không biết nhân lúc có trăng bao nhiêu người đã trở lại,
Sao trăng lặn để bóng lay động đầy tình khắp cây cối trên sông.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Dịch thơ:
Xuân giang hoa nguyệt dạ        (1)   
(Đêm trăng hoa trên sông xuân)

Thủy triều dâng sông xuân ngang biển,
Trăng mọc lên cùng hẹn triều cao.
Ngàn khơi sóng gợn lao xao,
Sông xuân lấp lánh nơi nào không trăng.
Lượn bờ hương sông băng mềm mại,
Trăng soi hoa như trải tuyết rây
Không gian sương ngỡ ngừng bay, 
Bãi sông cát trắng nhìn hoài không ra.
Trời với sông trong pha một sắc,
Vầng trăng đơn vằng vặc giữa trời.
Thoạt đầu ai thấy trăng soi?
Năm nào trăng chiếu xuống người mới trông?
Cõi nhân sinh không ngừng tiếp diễn.
Trăng bao năm luân chuyển thế hoài.
Hỏi trăng biết có đợi ai?
Mà sao chỉ thấy sông dài nước trôi.
Dải mây trắng qua trời bay mãi,
Cây phong xanh trên bãi buồn tênh.
Nhà ai thuyền dạo lênh đênh.
Lầu trăng nhung nhớ gửi bên phương nào?
Đáng thương thay trăng vào rười rượi,
Chiếu đài gương người đợi kẻ xa.
Rèm châu dẫu cuốn, không ra,
Phiến kê đập  áo lau qua vẫn còn.
Giờ lặng ngắm mỏi mòn bặt tiếng,
Muốn đuổi theo trăng đến bên chàng.
Nhạn không mang được ánh trăng,
Cá rồng lặn nhảy chỉ làm sóng xao,
Đêm qua mơ thấy bao hoa rụng, 
Thương nửa xuân người vẫn cách xa,
Nước sông cuốn hết xuân qua,
Ven sông (2) lần lữa trăng tà về tây.
Trăng xế lặn vào mây sương biển,
Lối Tiêu Tương, (3) Kiệt Thạch (4) mãi trông.
Theo trăng người có về không?
Sao trăng lay bóng cây sông đầy tình!
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Chú thích:
(1)Xuân giang hoa nguyệt dạ:  
      Theo tư liệu của ông Trần Trọng Kim cho biết: Thời Trần Hậu Chủ (Tức là Trần Thúc Bảo, 553 – 604, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Trần thời Nam-Bắc triều), nhà vua này đã cùng với các nữ học sĩ và các triều thần làm thơ, rồi nhặt những bài thơ đóng thành tập gọi là Xuân giang hoa nguyệt dạ. Trương Nhược Hư lấy cái đề ấy làm bài thơ này.
       Theo tư liệu khác của của một tác giả đã có bài đăng ở Thi viện (Chưa rõ tên, chỉ biết là được đăng bởi Vanachi vào 19/02/2006), Xuân giang hoa nguyệt dạ ngoài nghĩa phiên qua tiếng Việt là “Đêm trăng hoa trên sông xuân”, “ tựa đề  còn là tên của một khúc nhạc phủ thuộc “Thanh thương ca khúc”, khúc điệu này được sáng tác vào đời Trần Hậu Chủ”. Tác giả còn viết thêm: “ Đây là bài thơ trữ tình nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nhà nghiên cứu văn học đời Thanh Vương Khải Vận khen bài thơ này là “chỉ một thiên tuyệt diệu, đủ xứng đáng là đại gia” (cô thiên hoành tuyệt, cánh vi đại gia); nhà thơ hiện đại Văn Nhất Đa thì ca ngợi rằng bài thơ này là “thơ trong thơ, đỉnh núi trên các đỉnh núi” (thi trung đích thi, đỉnh phong thượng đích đỉnh phong). Theo lời Lưu Kế Tài thì đối với người Nhật Bản hiện đại, hai bài thơ Đường được hâm mộ nhất là Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư và Trường hận ca của Bạch Cư Dị....”(Theo trích dẫn đã nêu) 
  Theo Đường Thi tuyển dịch (tập 2), thì “đây là một bài thơ tuyệt diệu với ngôn ngữ giản dị mà tươi tắn, thanh tao; âm điệu bàng hoàng, triền miên; hình ảnh sinh động, cảm xúc chứa chan”.
   Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với các nhận định trên. Bởi vì đây là bài thơ hay đặc sắc hiếm có, nó mang tình ý mênh mông sâu thẳm, nói lên được nỗi lòng mong nhớ của những người trong cảnh biệt ly đã mỏi mòn chờ đợi. Tâm trạng bi thiết này chúng ta từng bắt gặp trong “Chức cẩm hồi văn” của Tô Huệ, “Trường tương tư” của Lương Ý Nương... Tất cả đều là những bản tình ca bất hũ.. Riêng ở Xuân giang hoa nguyệt dạ, ta còn bắt gặp sự biến dịch tuần hoàn của vũ trụ đối với kiếp nhân sinh. Chỉ bằng một đêm trăng đẹp trên sông xuân soi chiếu rừng hoa, ta đã hiểu được sự trôi chảy của nó đối với một đời người cũng như đối với mọi sự vật.
          Trong thời hiện đại, có nhiều người bước vào thế giới thi ca, choáng ngợp trước nhiều hình thức mới của  các thể thơ mới phát sinh, đã quay lại chê con người Đông phương thời nay còn mãi ôm giữ bóng trăng khi thế giới Tây phương đã tiến tới tân hình thức.Tuy nhiên để có bóng trăng như Trương Nhược Hư trong thời đại cũ, thì cả thế giới này không dễ có mấy người viết được. Tiếc rằng khi chuyển qua tiếng Việt, nó rất khó dịch nên không thể nào chuyển tải được hết thần khí và ý nghĩa trọn vẹn của nó để bạn đọc thưởng thức. Hy vọng trong tương lai sẽ có những bản dịch mới tốt hơn.
2) Giang đàm (江潭) :Ven sông, ven bờ như thơ Bảo Chiếu 鮑 照: Khinh hồng hí giang đàm, / Cô nhạn tập châu chỉ: 輕鸿 戲 江 潭 /孤 雁 集 洲 止: Chim hồng bay bỗng đùa giỡn ven sông./ Nhạn lẻ loi đậu ở cù lao bãi nước. Bởi vì Đàm (潭): vốn có nghĩa là cái đầm sâu, tuy nhiên nó còn có âm Tầm(潭) với nghĩa là “ Cái bờ nước” (từ điển Nguyễn Quốc Hùng).
3) Tiêu Tương: Tên của sông Tiêu và sông Tương. Hai con sông này hợp lưu ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Điển tích cho biết vua Thuấn đi tuần du ở Thương Ngô, sau đó mất ở nơi này. Hai bà vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm đến chỗ sông Tiêu Tương, vì tìm không thấy nên hai người thương nhớ ngồi khóc bên khóm trúc, nước mắt chảy dính vào thân trúc nên về sau trúc ở chỗ này mọc lên có vết lốm đốm.
       Do tích này nên từ “Tiêu Tương” biểu hiện ý nghĩa cho lòng trai gái nhớ thương nhau.
4) Núi Kiệt Thạch: Có nhiều nguồn giải thích khác nhau. Theo nguồn  dẫn sách cổ cho biết: Trong “Đường thư địa lý chí” thì núi Kiệt Thạch có ở huyện Thạch Thành thuộc Bình Châu. Theo “Thủy kinh chú”, núi Kiệt Thạch ở bên phải huyện Nhương Thành, thuộc Bắc Bình về phía Tây Nam trông ra biển ( Giải thích của ông Ngô Văn Phú và nhiều tư liệu khác ở thông tin mạng). Giải thích thời nay cho biết là núi Kiệt Thạch ở huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc; lại có nguồn khác cho là núi này ở về phía tây nam huyện Nhạc Đình, tỉnh Hà Bắc (Chưa rõ tên tác giả).Xem vậy về địa danh nơi có núi đã thay đổi nhiều tên vì đã trải qua hàng nghìn năm. Tuy nhiên có sự đồng nhất là núi này có ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Nhiều thi nhân của các thời đại khác nhau đã đề cập đến tên núi này trong thơ của mình  như Tào Tháo (đời Hán, Tam quốc), Trương Nhược Hư (Sơ Đường), Cao Thích (Thịnh Đường), Đỗ Phủ (Thịnh Đường) v.v... Vậy tên núi này là tên núi có thật và tại sao tác giả lại đưa nó vào câu thơ: 碣 石瀟湘無限路(Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ) ?
        Theo nhiều nguồn tư liệu về lịch sử, địa lý thì tỉnh Hà Bắc ở phía bắc sông Hoàng Hà. Vào thời Xuân Thu chiến quốc, vùng đất này chịu sự cai trị của nước Yên ở phía bắc, và nước Tần ở phía nam. Hà Bắc nằm sâu trong miền bắc Trung Quốc và ở ngay trong biên giới phía bắc, giáp ranh với các bộ tộc như Hung Nô, Khiết Đan... Đến thời nhà Đường gọi là Hà Bắc đạo. Đây là vùng đất có núi non hiểm trở, xảy ra chiến tranh liên miên. Ngay thời nhà Hán (Tam quốc), Tào Tháo đã dẫn đại binh ra đánh với Viên Thiệu đang cát cứ ở Hà Bắc, quân sĩ của Tào Tháo đã dừng chân ở núi Kiệt Thạch, cờ xí rợp trời. Tiếp theo là chiến tranh liên miên với rợ Hung Nô. Đến đời nhà Đường là chiến tranh thường xuyên với rợ Khiết Đan. Quân sĩ của nhiều thời đại Trung Hoa đã qua ở núi này. Bởi vậy núi Kiệt Thạch chính là một trong những địa điểm xa xôi của vùng đất chiến tranh ác liệt, nơi người chinh phu đi mãi không thấy về. Đây cũng là nơi mà những người chinh phụ phải bao năm chờ chồng, có khi chờ đến hết cả tuổi xuân mà vẫn không gặp lại. Bởi vậy có hình ảnh Tiêu Tương gắn kèm để biểu lộ lòng thương nhớ.
      Sở dĩ chúng tôi đề cập nhiều đến núi Kiệt Thạch, vì từ địa danh này có ý nghĩa rất quan trọng để  xác định được chủ ý của tác giả muốn nói, qua đó mới hiểu được nỗi mong nhớ của người thiếu phụ trong một đêm trăng đẹp, chờ chồng ra chiến trận lâu năm không về, chứ không hẳn là bài thơ chỉ nói lên nỗi nhớ của người du tử đối với người khuê phụ như có tác giả đã nói.


+ Giới thiệu bản dịch khác củaTản Đà:


Sông xuân sáng nước liền ngang bể, 
Vầng trăng trong mặt bể lên cao. 
Ánh trăng theo sóng đẹp sao! 
Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng? 
Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát, 
Trăng soi hoa như tán trập trùng. 
Sương bay chẳng biết trong không 
Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì. 
Trời in nước một ly không bụi. 
Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời. 
Thấy trăng thoạt mới là ai? 
Trăng sông thoạt mới soi người năm nao? 
Người sinh mãi, kiếp nào cho biết, 
Nhìn trăng sông năm hệt không sai. 
Trăng sông chẳng biết soi ai, 
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi. 
Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi, 
Rặng phong xanh một dải sông sầu. 
Đêm nay ai đó, ai đâu? 
Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi. 
Trăng thờ thẫn nơi người xa ngóng, 
Chốn đài gương tựa bóng thương ai. 
Trong rèm cuốn chẳng đi thôi, 
Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay. 
Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy, 
Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng. 
Hồng bay, ánh sáng không màng, 
Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm. 
Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa, 
Ai xa nhà xuân nửa còn chi! 
Nước sông trôi mãi xuân đi, 
Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm. 
Vầng trăng lặn êm chìm khói bể, 
Đường bao xa non kệ sông Tương. 
Về trăng mấy kẻ thừa lương, 
Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông.

+ Giới thiệu bản dịch của Trần Trọng Kim:

Sông liền biển, nước xuân đầy dẫy 
Trăng mọc cùng triều dậy trên khơi 
Trăng theo muôn dặm nước trôi 
Chỗ nào có nước mà trời không trăng? 
Dòng sông lượn quanh rừng thơm ngát 
Trăng soi hoa trắng toát một màu 
Trên không nào thấy sương đâu 
Trắng phau bãi cát ngó hầu như không 
Không mảy bụi trời sông một sắc 
Một vầng trăng vằng vặc giữa trời 
Trăng sông thấy trước là ai 
Đầu tiên trăng mới soi người năm nao 
Người sinh hoá kiếp nào cùng tận 
Năm lại năm trăng vẫn thế hoài 
Trăng sông nào biết soi ai 
Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng 
Mảnh mây bạc mông lông đi mãi 
Rừng phong xanh trên bãi gợi sầu 
Thuyền ai lơ lững đêm thâu 
Trong lầu minh nguyệt chỗ nào tương tư 
Trên lầu nọ trăng như có ý 
Vào đài trang trêu kẻ sinh ly 
Trong rèm cuốn cũng không di 
Trên chày đập áo phủi thì vẫn nguyên 
Mong nhau mãi mà tin bặt mãi 
Muốn theo trăng đi tới cạnh người 
Nhạn bay trăng cứ đứng hoài 
Cá rồng nổi lặng nước trôi thấy nào 
Đêm trước thấy chiêm bao hoa rụng 
Thương quê người chiếc bóng nửa xuân 
Nước sông trôi hết xuân dần 
Trăng sông cũng lặn xế lần sang tây 
Trăng xế thấp chìm ngay xuống bể 
Cách núi sông xa kể dường bao 
Cõi trăng về ấy người nào 
Cây sông trăng lặn nao nao mối tình

Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995 (Sao lại của Vanachi đã đăng ở Thi viện)
      

Picture
1 Comment

Lâm Bô (林逋)

12/16/2016

0 Comments

 

​                   Lâm Bô (林逋)
              (967-1028)  - Trung Quốc (Bắc Tống)

Lâm Bô tự là Quân Phục (君復), sống vào thời Bắc Tống.quê ở Tiền Đường, nay là thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang. Suốt cả đời, ông ẩn cư ở Tây Hồ, sống đời thanh bạch, trồng mai, nuôi hạc, không màng đến công danh lợi lộc. thường cùng với các dânh sĩ cùng nhau xướng họa. Nhân cách cao quí của ông vang danh khắp thiên hạ, còn được cả người đời nay kính phục. Ông mất năm 62 tuổi.
Thơ ông có rất nhiều nhưng đã bị thất lạc, chỉ còn gom lại được khoảng 300 bài. Bài thơ nổi tiếng  được truyền tụng qua nhiều đời của ông là bài “Mai hoa”.
Giới thiệu một bài từ khác của ông.

長 相 思
Trường tương tư 

吳 山 青,
Ngô sơn thanh,  
越 山 青,
Việt sơn thanh,  
兩 岸 青 山 相 送 迎, 
Lưỡng ngạn thanh sơn tương tống nghinh, 
誰 知 別 離 情。 
Thuỳ tri biệt ly tình. 

君 淚 盈,
Quân lệ doanh,  
妾 淚 盈,
Thiếp lệ doanh,  
羅 帶 同 心 結 未 成,
La đới đồng tâm kết vị thành, 
江 頭 潮 已 平。
Giang đầu triều dĩ bình.

+ Dịch nghĩa: 
Tương tư đằng đẵng

Núi Ngô xanh,
Núi Việt xanh 
Hai bờ núi xanh cùng đưa đón,
Ai biết được nỗi tình ly biệt.

Chàng nước mắt ràn rụa,
Thiếp nước mắt ràn rụa,
Dải lụa đồng tâm kết chưa thành,
Thủy triều ở đầu sông đã bình lặng.

+ Dịch thơ:
Tương tư đằng đẵng

Núi Ngô xanh,
Núi Việt xanh,
Núi biếc đôi bờ cùng đưa tiễn,
Biệt ly ai thấu nỗi tình.

Chàng lệ tuôn,
Thiếp lệ tuôn,
Lỡ một dải đồng chưa kết trọn,
Triều dâng đã lặng ở đầu sông.

    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

0 Comments

 Liễu Vĩnh (柳永)

12/16/2016

0 Comments

 

            Liễu Vĩnh (柳永)
      (1004-1054) – Trung Quốc (Bắc Tống)

Liễu Vĩnh trước có tên là Tam Biến, tự Kỳ Khanh, người ở Sùng An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại, học tập ở kinh thành Khai Phong, con đường cử nghiệp lận đận, mãi  về già mới đỗ tiến sĩ.Ông từng làm các chức quan nhỏ như Triện quan, Diêm quan, Viên ngoại lang... nhưng lại là một trong những nhà làm từ lớn nhất thời Bắc Tống. Ông mất lúc mới 50 tuổi (đời Tống Nhân Tông). Tương truyền khi ông mất, các kỹ nữ phải quyên góp tiền bạc để lo bề tống táng.
Về tác phẩm hiện còn lại “Nhạc chương tập” (Tập sách ghi các chương nhạc) gồm có 200 bài từ của ông sáng tác. Từ của ông có ảnh hưởng rất lớn ở thời đó và cho các thi nhân về sau.


1)    Bài 1: 

雨霖鈴 
Vũ lâm linh 

寒蟬淒切,
Hàn thiền thê thiết, 
對長亭晚,
Đối trường đình vãn,  
驟雨初歇。
Sậu vũ sơ yết.  
都門帳飲無緒。
Đô môn trướng ẩm vô tự.  
留戀處、
Lưu luyến xứ,  
蘭舟催發。
Lan chu thôi phát. 
執手相看淚眼,
Chấp thủ tương khan lệ nhãn,  
竟無語凝噎。 
Cánh vô ngữ ngưng ế. 
念去去。
Niệm khứ khứ.  
千里煙波, 
Thiên lý yên ba, 
暮靄沉沉楚天闊。 
Mộ ái trầm trầm Sở thiên khoát. 

多情自古傷離別,
Đa tình tự cổ thương ly biệt,  
更那堪、
Cánh na kham, 
冷落清秋節!
Lãnh lạc thanh thu tiết! 
今宵酒醒何處?
Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ?  
楊柳岸、
Dương liễu ngạn,  
曉風殘月。
Hiểu phong tàn nguyệt.  
此去經年,
Thử khứ kinh niên,  
應是良辰。
Ưng thị lương thần.  
好景虛設。
Hảo cảnh hư thiết.  
便縱有千種風情, 
Tiện túng hữu thiên chủng phong tình, 
更與何人說?
Cánh dữ hà nhân thuyết?
 
(1) Vũ lâm linh: là tên một nhạc khúc, còn viết là 雨淋鈴, có nghĩa là “tiếng chuông ngân của mưa rừng”, điệu nhạc khúc này do người đầu tiên soạn ra là Trương Dã Hồ. Truyện kể trong loạn An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng chạy vào đất Thục phải để quân sĩ giết chết Dương Quí Phi. Lúc yên giặc, nhà vua trở về, trên đường đi  nghe tiếng mưa trong rừng ngân thánh thót như tiếng chuông, nhà vua bồi hồi nhớ đến người đẹp, liền sai Trương Dã Hồ - một viên quan phụ trách âm nhạc, soạn ra hai khúc Vũ lâm linh (雨霖鈴) và Hoàn ai nhạc (還哀樂).Người đời sau áp dụng thể loại nhạc khúc này vào sáng tác mới của mình.
+ Dịch nghĩa:
         Vũ lâm linh

Tiếng ve kêu lạnh lùng thảm thiết,
Đối mặt với trường đình (1) trong chiều,
Cơn mưa mau vừa dứt.
Ngoài cửa thành uống không còn rượu.
Lúc còn lưu luyến,
Thyền lan thúc giục ra đi.
Nắm tay cùng nhìn lệ nhỏ,
Phút cuối nghẹn ngào không thể nói.
Tưởng cuộc hành trinh.
Ngàn dặm mờ khói sóng,
Khói mây chiều âm u trên trời Sở xa xôi.

Người đa tình từ xưa đã có nỗi đau ly biệt,
Làm sao chiụ nổi.
Tiết thu lạnh lẽo quạnh hiu!
Đêm nay tỉnh rượu ở nơi nào?
Bờ dương liễu,
Trăng tàn, gió sớm.
Việc này trải bấy nhiêu năm,
Chuyển qua ngày mới trong lành.
Cảnh đẹp không còn thiết ngắm.
Dẫu cho có nghìn mối tơ tình,
Càng đâu biết có người nào để nói?

+ Dịch thơ:
         Vũ lâm linh

Tiếng ve lạnh lùng thảm thiết,
Trước dịch trạm (1) chiều buông,
Mưa rào vừa dứt.
Ngoài cửa thành rượu tiễn cạn ly.
Đang còn lưu luyến,
Thuyền lan thúc giục ra đi.
Cầm tay, nhìn nhau lệ nhỏ,
Phút cuối nghẹn ngào không thể nói năng chi.
Tưởng cuộc hành trình.
Nghìn trùng khói sóng,
Trời Sở xa xôi, mây chiều u ám.

Khách đa tình tự cổ mang hận biệt ly,
Làm sao chịu nổi,
Giữa tiết thu lạnh lẽo đìu hiu!
Đêm nay tỉnh rượu nơi nào?
Bờ dương liễu.
Trăng tàn, gió sớm,
Trải bấy nhiêu năm,
Chuyển qua ngày mới trong lành.
Cảnh đẹp giờ chẳng thiết.
Dẫu cho có nghìn mối tơ tình,
Làm sao tỏ cùng ai biết?
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

(1)    Trường đình: Là nhà trạm, dịch trạm. Ngày xưa, ở Trung Hoa, theo dọc đường đi, cứ cách 10 dặm, người ta đặt 1 trạm để thông tin liên lạc.

2) Bài 2:
八 聲 甘 州
Bát thanh Cam Châu 

對 蕭 蕭 暮 雨 灑 江 天,
Đối tiêu tiêu mộ vũ sái giang thiên, 
一 番 洗 清 秋,
Nhất phiên tẩy thanh thu,  
漸 霜 風 淒 緊,
Tiệm sương phong thê khẩn, 
關 河 冷 落,
Quan hà lãnh lạc,  
殘 照 當 樓。
Tàn chiếu đương lâu. 
是 處 紅 衰 綠 減,
Thị xứ hồng suy lục giảm, 
冉 冉 物 華 休。
Nhiễm nhiễm vật hoa hưu.  
惟 有 長 江 水,
Duy hữu Trường Giang thuỷ, 
無 語 東 流。 
Vô ngữ đông lưu. 

不 忍 登 高 臨 遠,
Bất nhẫn đăng cao lâm viễn, 
望 故 鄉 渺 邈,
Vọng cố hương diểu mạc, 
歸 思 難 收。
Quy tứ nan thu.  
歎 年 來 蹤 跡,
Thán niên lai tung tích,  
何 事 苦 淹 留?
Hà sự khổ yêm lưu?  
想 佳 人 妝 樓 長 望, 
Tưởng giai nhân, trang lâu trường vọng, 
誤 幾 回 天 際 識 歸 舟。
Ngộ kỷ hồi, thiên tế thức quy chu. 
爭 知 我 倚 欄 杆 處,
Tranh tri ngã, ỷ lan can xứ,  
正 恁 凝 愁。
Chính nhẫm ngưng sầu.


+ Dịch nghĩa:

Trước cơn mưa chiều sầm sập đổ trên sông,
Một lần rửa sạch làm bầu trời thu xanh trong,
Gió se sắt thổi giục màn sương dần dần tràn ngập,
Non sông quạnh quẽ đìu hiu,
Chiều tàn chiếu xuống lầu.
Đó là nơi hồng phai lục nhạt,
Mọi vật hao gầy không còn vẻ đẹp.
Duy chỉ có nước sông Trường Giang,
Lặng lẽ chảy về đông.

Không nỡ lên cao nhìn ra (vời vợi),
Trông về cố hương mờ mịt xa xôi,
Nỗi nhớ không ngăn.
Than thở cho phận mình năm tới,
Vì lẽ gì phải chịu khổ ở lại thêm một thời gian?
Tưởng người đẹp trang điểm lên lầu mãi ngóng trông,
Bao nhiêu lần nhầm lẫn nhận thấy con thuyền về ở phía chân trời.
Làm sao biết ta đang đứng tựa lan can,
Đang nghĩ tới nàng, đăm đăm sầu nhớ.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Dịch thơ:
Bát thanh cam châu

Trước mưa chiều sầm sập đổ trên sông,
Gột rửa trời thu trong vắt,
Gió lê thê giục màn sương tràn ngập,
Nước non quạnh quẽ đìu hiu,
Chiều tàn chiếu xuống lầu.
Chốn chốn hồng phai lục nhạt,
Mọi vật gầy hao vẻ đẹp.
Duy chỉ có dòng nước Trường Giang,
Lặng lẽ chảy về đông.

Không nỡ lên cao nhìn khắp,
Ngóng về cố hương mờ mịt xa xôi,
Nỗi nhớ không nguôi.
Than thở phận mình năm tới,
Vì sao cam khổ ở lại thêm lâu?
Tưởng người đẹp trang điểm lên lầu, mãi còn trông ngóng,
Bao lần nhầm lẫn thấy thuyền về ở phía chân mây.
Làm sao biết ta đang đứng tựa lan can,
Suy nghĩ về nàng, đăm đăm sầu nhớ.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch


0 Comments

 Thơ Mạnh Giao (tt)

12/16/2016

0 Comments

 

              Mạnh Giao (tt)
( 751 – 814) - Trung Quốc (thời Trung Đường) 

Xem tiểu sử  đã có ở các bài “Khứ phụ”, “Quy tín ngâm” đã có ở kỳ trước.
古 怨 別
Cổ  oán  biệt          (1)  
                        
颯 颯 秋 風 生,
Táp táp thu phong sinh,  
愁 人 怨 離 別。
Sầu nhân oán ly biệt.  
含 情 兩 相 向,
Hàm tình lưỡng tương hướng,  
欲 語 氣 先 咽。
Dục ngữ khí tiên yết.  
心 曲 千 萬 端,
Tâm khúc thiên vạn đoan,  
悲 來 卻 難 說。
Bi lai khước nan thuyết.  
別 後 惟 所 思,
Biệt hậu duy sở tư, 
天 涯 共 明 月。
Thiên nhai cộng minh nguyệt.

+ Dịch nghĩa:
Hận xưa chia cách

Gió thu nổi xào xạc,
Người sầu oán vì ly biệt.
Cả hai ôm hận tình tha thiết nhìn nhau,
Muốn nói nhưng bỗng nghẹn ngào.
Nỗi lòng có muôn nghìn mối,
Buồn đến khó nói thành lời.
Xa cách rồi sau chỉ còn nỗi nhớ,
Nơi chân trời cùng chung một vầng trăng sáng.

    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Dịch thơ:
Hận xưa chia cách

Gió thu về hắt hiu,
Người hận sầu ly biệt.
Nhìn nhau tình tha thiết,
Muốn nói bỗng nghẹn ngào.
Nỗi lòng muôn nghìn mối,
Buồn khó nói thành lời.
Xa rồi còn nỗi nhớ,
Phương trời chung bóng trăng.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

(1) Bài này còn có tên khác là “Cổ biệt khúc”



 
 

0 Comments

Thơ Bạch Cư Dị (tt)

12/16/2016

0 Comments

 

           Bạch Cư Dị (白居易) (tt)
      (772 - 846)-Trung Quốc (Trung Đường)

(Xem tiểu sử đã có từ trước ở bài “Cảm kính”(Cảm xúc vì gương)

1)    Bài 1:
花 非 花 
Hoa phi hoa 

花 非 花,
Hoa phi hoa, 
霧 非 霧。
Vụ phi vụ.  
夜 半 來, 
Dạ bán lai, 
天 明 去。
Thiên minh khứ.  
來 如 春 夢 幾 多 時, 
Lai như xuân mộng kỷ đa thời, 
去 似 朝 雲 無 覓 處。
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ!

+ Dịch nghĩa:
Hoa chẳng là hoa

Hoa chẳng là hoa,
Sương chẳng là sương.
Nửa đêm chợt đến,
Trời hửng sáng lại đi.
Tới như giấc mộng xuân được bao lâu?
Đi tựa như làn mây sớm không biết tìm ở chốn nào!

+ Dịch thơ:
-    Bản dịch 1:
Hoa chẳng là hoa

Là hoa mà chẳng phải hoa,
Là sương mà chẳng phải là giọt sương.
    Nửa đêm lặng đến gót hương,
Trời vừa hửng sáng lên đường dời chân.
    Đến như thoáng giấc mộng xuân,
Đi như mây sớm (1) biết dừng ở đâu?
            HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

(1)    Mây sớm: Chữ Hán “Triêu vân 朝 雲”, có thể
tác giả có ngầm ý muốn nhắc đến điển tich “triêu vân mộ vũ 朝雲,暮雨”(mưa sớm, mây chiều” qua câu nói của thần nữ núi Vu: “Vi triêu vân, vi mộ vũ為朝雲,為暮雨:Sáng làm mây chiều làm mưa).

-    Bản dịch 2:
Hoa chẳng là hoa

Hoa chẳng là hoa,
Sương chẳng sương.
Nửa đêm chợt đến,
Sáng quay về.
Đến như giấc mộng xuân qua thoáng, 
Đi tựa mây trời biết ở đâu?
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Giới thiệu bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ:

Chẳng phải là hoa, chẳng phải sương 
Nửa khuya em đến, sáng em về 
Đến như giấc mộng xuân không đợi 
Đi tựa mây trời không định nơi

2) Bài 2:
長相思  
Trường tương tư (I) 

汴水流,
Biện thuỷ lưu, 
泗水流,
Tứ thuỷ lưu, 
流到瓜洲古渡頭。
Lưu đáo Qua châu cổ độ đầu. 
吳山點點愁。 
Ngô sơn điểm điểm sầu. 

思悠悠,
Tứ du du,  
恨悠悠,
Hận du du,  
恨到歸時方始休。
Hận đáo quy thời phương thuỷ hưu.  
月明人倚樓。
Nguyệt minh nhân ỷ lâu.

 + Dịch nghĩa:
Tương tư đằng đẵng

Nước sông Biện trôi,
Nước sông Tứ trôi,
Chảy đến châu Qua về gặp đầu bến đò cũ.
Núi Ngô chốn chốn đượm vẻ buồn bã.

Nhớ mang mang,
Hận mang mang,
Hận đến ngày về mới tạm nguôi.
Người tựa lầu nhìn trăng sáng.

+ Dịch thơ:
Tương tư đằng đẵng

Sông Biện trôi,
Sông Tứ trôi,
Chảy đến châu Qua đầu bến cũ.
Non Ngô chốn chốn mạch sầu khơi

Nhớ không thôi,
Hận không thôi,
Hận đến ngày về chưa sớm dứt.
Tựa lầu, người đối bóng trăng soi.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch



0 Comments

Thơ Lý Diên Niên

12/16/2016

0 Comments

 

​                  Lý Diên Niên 
(? – 87 tr.CN ) – Trung Quốc (Thời nhà Hán)


Chưa rõ về tiểu sử Lý Diên Niên, chỉ biết ông sống vào thời Hán Vũ đế (156 tr.CN - 87 tr.CN.). Ông có tài ca múa, soạn nhạc nổi tiếng, được Hán Vũ đế triệu vào cung điện để phục vụ cho việc đàn ca múa hát. Nhờ tinh thông âm nhạc nên ông được nhà vua phong làm Hiệp luật đô úy , phụ trách quản lý tất cả nghệ nhân ca múa trong cả nước. Tương truyền ông là anh ruột của Lý phu nhân (người đẹp của bài “Gian nhân ca”)

佳人歌                
Giai nhân ca 


北 方 有 佳 人,
Bắc phương hữu giai nhân,  
絕 世 而 獨 立。
Tuyệt thế nhi độc lập. 
一 顧 傾 人 城,
Nhất cố khuynh nhân thành, 
再 顧 傾 人 國。
Tái cố khuynh nhân quốc.  
寧 不 知,
Ninh bất tri,
傾 城 與 傾 國,
Khuynh thành dữ khuynh quốc,
 佳 人 難 再 得。
Giai nhân nan tái đắc.

+ Dịch nghĩa:
Bài ca về người đẹp
 
Phương bắc có người đẹp,
Dung nhan tuyệt sắc chỉ có riêng độc nhất trên đời không ai sánh kịp.
Một lần nhìn qua làm nghiêng thành của người,
Một lần liếc lại làm nghiêng nước của người.
Lẽ nào mà không biết,
vẻ đẹp nghiêng thành cùng nghiêng nước.
Giai nhân (ấy) đâu dễ gì gặp lại được (người thứ hai).
                    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
 
+ Bản dịch thơ:
 - Bản dịch 1:

Bài ca về người đẹp
      
Phương bắc có người đẹp,
Tuyệt thế vẻ hoa anh (1).
Liếc qua làm nghiêng thành,
Liếc lại làm nghiêng nước.
Lẽ nào không biết được,
Vẻ nghiêng nước nghiêng thành.
Giai nhân đâu dễ gặp.
 
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
 

(*)Anh: có nghĩa là loài hoa đẹp nhất.

 - Bản dịch 2:
Bài ca về người đẹp
 
Giai nhân có ở bắc phương,
Dung nhan tuyệt thế, khác thường hoa anh.
Liếc qua đủ khiến nghiêng thành,
Một lần liếc lại chòng chành núi sông.
Lẽ nào không biết bóng hồng,
Nghiêng thành nghiêng nước đắm lòng để yêu. 
Giai nhân đâu dễ gặp nhiều!
          HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
 

+ Chú thích:
(1) Bài “Giai nhân ca”(佳人歌- bài ca về người đẹp) này còn có tên khác là “Bắc quốc giai nhân” (北國佳人
).Trong “Nhạc phủ thi tập” của Trung Quốc, bài này được xếp vào  “Tạp ca dao từ” với tên “Lý Diên Niên ca”(李延年歌).
(2) Bắc phương hữu giai nhân : Phương bắc có người đẹp. Người đẹp đây chính là Lý phu nhân, người em gái ruột của Lý Diên Niên. Theo sách “Hán thư” phần “Lý phu nhân truyện” thì Lý phu nhân sinh và mất vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, quê quán ở Trung Sơn nay là Định Châu thuộc tỉnh Hà Bắc. Bà có tài ca múa, giỏi âm luật, văn chương thi phú và là một trang giai nhân tuyệt thế.
           Một hôm, Hán Vũ đế (Lưu Triệt) nghe Lý Diên Niên hát bài “Giai nhân ca”, nhà vua mới hỏi: “Làm sao trên đời lại có người đẹp đến vậy?”. Bình Dương công chúa đứng ở bên cạnh liền cho biết  đó là em gái của Lý Diên Niên, nhà vua lại hỏi Lý Diên Niên và ông cũng xác nhận đó là em gái của mình. Nhà vua cho mời Lý phu nhân vào ra mắt. Trước giai nhân tài sắc vẹn toàn, nhà vua hoàn toàn mê mẩn, tuyển làm phi tần, phong làm phu nhân và về sau là Hiếu Vũ hoàng hậu. Bà được nhà vua rất sủng ái. Tuy nhiên, hồng nhan bạc mệnh, bà qua đời rất sớm vào khoảng năm 101 trước Công nguyên.

0 Comments

Thơ Trác Văn Quân (卓文君)

12/16/2016

0 Comments

 

                    Trác Văn Quân (卓文君)
                    ( ? ) -Trung Quốc (Tây Hán) 

Picture

                          Trác Văn Quân theo tranh vẽ

     Trác Văn Quân (卓文君) còn có tên là Vân Hậu (文後). Không rõ năm sinh năm mất nhưng căn cứ vào tuổi của Tư Mã Tương Như (179 tr.CN - 117 tr.CN), chồng bà, thì có thể ước đoán bà sinh vào khoảng trước hay sau năm 185 trước Công Nguyên, thời Tây Hán. Nguyên quán tổ tiên bà ở Hàm Đan, sau vì để tránh sự bạo ngược của Tần Thủy Hoàng họ phải di chuyển đến Lâm Cùng thuộcTứ Xuyên, để định cư. Bà là một tài nữ nổi danh thời Tây Hán, có tài sắc vẹn toàn, giỏi cầm kỳ thi họa, nên đã được xếp vào “Thục trung Tứ đại tài nữ” trong lịch sử tài nữ  của Trung Quốc. Câu chuyện tình của bà với Tư Mã Tương Như đã nổi tiêng trong tình sử cổ đại qua  điển tích “Phượng cầu hoàng”và đã trở thành điển tích thông dụng trong văn học.
      Tác phẩm của bà tương truyền có rất nhiều nhưng ngày nay đã thất lạc, chỉ còn bài “Bạch đầu ngâm” là bài thơ nổi danh vì hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó.

白 頭 吟
Bạch đầu ngâm                         
  
皚 如 山 上 雪,
Ngai như sơn thượng tuyết,  
皎 若 雲 間 月。
Kiểu nhược vân gian nguyệt.  
聞 君 有 兩 意,
Văn quân hữu lưỡng ý,  
故 來 相 決 絕。
Cố lai tương quyết tuyệt.  
今 日 斗 酒 會,
Kim nhật đấu tửu hội,  
明 旦 溝 水 頭。
Minh đán câu thuỷ đầu.  
躞 蹀 御 溝 上,
Tiệp điệp ngự câu thượng,  
溝 水 東 西 流。 
Câu thuỷ đông tây lưu. 

淒 淒 復 淒 淒,
Thê  thê  phục thê  thê,  
嫁 娶 不 須 啼。
Giá  thú   bất   tu    đề.  
願 得 一 心 人,
Nguyện đắc nhất tâm nhân,  
白 頭 不 相 離。
Bạch đầu bất tương ly.  
竹 竿 何 嫋 嫋,
Trúc can hà niệu niệu,  
魚 尾 何 簁 簁。
Ngư  vĩ    hà     si    si.  
男 兒 重 意 氣,
Nam nhi  trọng ý   khí,  
何 用 錢 刀 為。
Hà  dụng  tiền  đao  vi. 

Dịch nghĩa:
Khúc ngâm đầu bạc                  (1)

(Lòng thiếp) trắng như tuyết trên núi,
Trong như bóng trăng ở giữa mây.
Nghe lòng chàng có hai ý,
Toan đoạn tuyệt từ xưa nay.
Hôm nay nâng chén rượu sum hợp,
Sáng mai tiễn ra nơi đầu hào nước. (2)
Bước lững thững trên hào ngăn,
Ngòi nước trôi chảy về hướng tây đông.
Rẩu rầu lại rầu rầu,
Vợ chồng đã cưới nhau rồi không nên than khóc.
Nguyện được một lòng với người,
Đến bạc đầu không xa nhau.
Sao cần trúc mềm mại,
Sao đuôi cá vẫy cong gấp nhiều lần.
Nam nhi coi trọng chí khí,
Sao vì tiền của mà thay lòng.
    HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Dịch thơ:
Khúc ca đầu bạc        (1)

Trắng như tuyết trên núi,
Trong như trăng giữa mây.
Nghe lòng chàng hai ý,
Toan dứt tình xưa nay.

Hôm nay chén rượu họp,
Sáng mai tiễn đầu hào.       (2)
Lững thững trên ngòi ngăn,
Tây đông trôi dòng nước.

Rầu rầu lại rầu rầu,
Cưới rồi không nên khóc.
Mong giữ vẹn một lòng,
Bạc đầu không chia cắt.

Cần trúc sao mềm mại,
Đuôi cá sao vẫy cong.
Nam nhi trọng chí khí,
Sao vì của thay lòng!

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

+ Chú thích:
(1) Theo “Tây kinh tạp ký”, bài “Bạch đầu ngâm” này do Trác Văn Quân sáng tác, nhưng có một số sách khác như “Tống thư”, “Nhạc phủ thi tập”, “Ngọc đài tân vịnh” đều chép là khuyết danh. (Nguồn: Theo tư liệu của Bách khoa toàn thư)
(2) Hào: Chữ Hán là câu. Là tên một cái ngòi nước đào rộng, bao bọc chung quanh thành lũy có ở ngày xưa nhằm để ngăn chận đối phương khó tấn công. 

+ Câu chuyện tình của Trác Văn Quân và nguồn gốc bài thơ “Bạch đầu ngâm”

Như đã giới thiệu ở phần tiểu sử, Trác Văn Quân là một trang giai nhân tuyệt sắc  nổi danh ở thời Tây Hán, được xếp vào “Thục trung tứ đại nữ” trong lịch sử tài nữ  của Trung Quốc qua các triều đại (gồm Trác Văn Quân – đời Tây Hán; Tiết Đào – đời Đường  ; Hoa Nhị phu nhân – đời Tống và Hoàng Nga – đời Minh). Bà biết chơi đàn cầm, biết làm thơ, và nổi tiếng có tài ứng đối. 
Bà là con của ông Trác Vương Tôn – một đại phú gia ở Lâm Cùng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Mới 16 tuổi, bà đã được gả chồng, người chồng là Vương Hàm Tân, một thư sinh đã đỗ tú tài. Họ sống với nhau được nửa năm thì người chồng bỗng bị bệnh qua đời, khiến Trác Văn Quân mới 17 tuổi đã trở thành góa bụa. Sau khi mãn tang chồng, cha mẹ bà đã xin nhà chồng cho bà trở về sống cùng với họ.
Thời gian sau, Văn Quân gặp Tư Mã Tương Như ở nơi này.  Nguyên Tư Mã Tương Như (179 trước CN – 117 tr. CN).  tự là Tràng Khanh, người ở Thành Đô nổi tiếng là người đa tài, giỏi văn chương thi phú và đàn hay. Vốn là người hào hoa thích phiêu lưu, dạo chơi đây đó, ông đã đi chơi ở nhiều nước khác và nhiều nơi trong nước mình. Khi đến đất Lâm Cùng ông nghe tiếng tài sắc nổi danh của Trác Văn Quân, ông muốn có cơ hội được gặp. Nhân có quen với quan huyện lệnh là Vương Cát, ông được ông này mời đến nhà Trác Vương Tôn dự tiệc. Nhà họ Trác nghe danh Tư Mã Tương Như nổi tiếng đàn hay nên yêu cầu ông biểu diễn đàn cho thực khách nghe trong buổi tiệc. Riêng về Trác Văn Quân vốn thích đàn, biết tiếng Tư Mã Tương Như và hâm mộ ông này đã lâu nên  nấp sau rèm để nghe. Vốn có chủ ý,Tương Như đã vừa đàn vừa hát khúc “Phụng cầu hoàng” (Chim phượng trống tìm chim phượng mái) do ông soạn lời phổ nhạc để tỏ tình với Văn Quân như sau: 
   琴 歌 其 一     
       Cầm ca kỳ 1 
鳳 兮 鳳 兮 歸 故 鄉,
Phượng hề phượng hề quy cố hương,  
遨 遊 四 海 求 其 凰。
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng.  
時 未 遇 兮 無 所 將,
Thì vị ngộ hề vô sở tương, 
何 悟 今 兮 昇 斯 堂!
Hà ngộ kim hề thăng tư đường! 
有 艷 淑 女 在 閨 房,
Hữu diễm thục nữ tại khuê phòng,  
室 邇 人 遐 毒 我 腸。
Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường.  
何 緣 交 頸 為 鴛 鴦,
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương, 
胡 頡 頏 兮 共 翱 翔!
Hồ hiệt hàng hề cộng cao tường!

+ Bản dịch của cụ Ngô Tất Tố:

Thẩn thơ chim phượng về làng 
Long đong tìm kiếm chim hoàng bấy lâu 
Lỗi thời, nào được chi đâu 
Vẩn vơ nay bỗng gặp nhau chốn này 
Phòng lan ai hỡi có hay? 
Gần nhà, xa mắt, đắng cay dạ vàng 
Ước gì hoá cặp uyên ương 
Bay la, bay bổng, chung đường rong chơi
(Bài cầm ca này có hai bài, đây là bài 1)

Qua âm thanh tiếng hát tiếng đàn, Văn Quân biết ý của Tương Như muốn gửi đến mình để tỏ tình một cách thầm kín, nên vô cùng cảm động. Nửa đêm Văn Quân lén  tìm đến nhà Tương Như. Sau khi bàn tính, Văn Quân bỏ trốn theo Tương Như ngay trong đêm ấy, họ cùng về Thành Đô để tạo dựng cuộc đời mới. Sở dĩ Văn Quân bỏ trốn vì biết tình yêu của mình sẽ không được cha mẹ chấp nhận, bởi lẽ thời ấy người góa phụ không được tái giá mà chỉ được thủ tiết thờ chồng.
    Đến Thành Đô, họ phải trải qua một cuộc sống cơ cực đến không chịu nổi. Bởi vậy, họ  phải chuyển về Lâm Cùng để mở một quán rượu kiếm sống nhưng cũng không khá hơn. Về sau, gia đình ông Trác Vương Tôn biết được hoàn cảnh khổ  sở của con, nên mới nguôi giận cho người tìm đến giúp đỡ, từ đó họ mới vượt qua cảnh bần hàn túng thiếu.
     Mặt khác, về nguồn gốc của bài thơ “Bạch đầu ngâm” có sự tích như sau:
Năm 140 tr.CN, Hán Vũ Đế lên ngôi, sau khi xem các tác phẩm của Tương Như, nhà vua lấy làm yêu thích nên cho người triệu Tương Như về triều. Tương truyền sau khi Tương Như đến kinh đôTrường An, ông đã làm bài “Trường môn phú” nói lên nỗi lòng của hoàng hậuTrần A Kiều, giúp cho hoàng hậu được Hán Vũ Đế sũng ái trở lại. Đồng thời các bài"Tử Hư phú",  “Thượng lâm phú” cũng được nhà vua rất thích. Tương Như được ban thưởng rất hậu, được phong chức Lang Quan và được giữ lại làm việc ở kinh đô. Tương Như trở nên giàu sang phú quí, được nhiều tiểu thư hâm mộ, quí mến tài năng.
Sống giữa cảnh xa hoa, và nhiều người đẹp vây quanh, Tương Như quên bẵng đi người vợ ở quê nhà, toan muốn cưới nàng Mậu Lăng làm thiếp.
     Trác Văn Quân theo dõi tin chồng, biết được cơ sự này nên đã làm bài “Bạch đầu ngâm “ gửi đến để cảm hóa chồng. Sau khi nhận được thơ, Tương Như đọc qua vô cùng cảm động, thôi ý định lấy vợ lẻ, trở về quê cũ sống với vợ cho đến cuối đời.
    Từ đó, bài “Bạch đầu ngâm” trở nên nổi tiếng là bài thơ đã giúp Văn Quân giữ được lại chồng bằng tấm chân tình của mình, và trong đó có hai câu thơ  “Nguyện đắc nhất tâm nhân,/ Bạch đầu bất tương ly” đã trở thành thành ngữ nổi tiếng trong văn học.
         (Nguồn: Viết theo nhiều nguồn tư liệu ở Bách khoa toàn thư)
                          HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG




 




                   

0 Comments
<<Previous

    DANH MỤC TÁC GIẢ:

    All
    BẠCH CƯ DỊ
    Bạch Cư Dị (tt)
    Ban Tiệp Dư
    ĐẶNG DUNG
    Đào Tấn - Việt Nam
    ĐỖ MỤC
    ĐỖ PHỦ
    ĐỖ THU NƯƠNG
    DƯƠNG KHÔNG LỘ
    Hương Hải Thiền Sư
    HUYỀN QUANG
    KHUYẾT DANH
    KHUYẾT DANH
    KIỀU TRI CHI
    Lâm Bô
    Liễu Vĩnh
    LƯ ĐỒNG
    LƯ ĐỒNG ( LÔ ĐỒNG )
    LƯƠNG Ý NƯƠNG
    LÝ BẠCH
    LÝ BẠCH (t.t)
    LÝ CHI NGHI
    Lý Diên Niên
    LÝ THANH CHIẾU
    LÝ THƯƠNG ẨN
    MÂN GIÁC
    MẠNH GIAO
    Mạnh Giao (tt)
    MẠNH HẠO NHIÊN
    NGUYỄN DU
    QUỲNH DAO
    TÀO TUYẾT CẦN
    THÔI HIỆU
    THÔI HỘ
    TÔ HUỆ
    Tô Thức (Tô Đông Pha)
    Trác Văn Quân
    TRẦN TỬ NGANG
    Trung Quốc (tt)
    TRƯƠNG KẾ
    Trương Nhược Hư
    TRƯƠNG TỊCH
    Trương Tịch (tt)
    TỪ AN TRINH
    VƯƠNG DUY
    Vương Xương Linh

Powered by Create your own unique website with customizable templates.